Chấn chỉnh tâm lý ngại sai của một bộ phận cán bộ, công chức

Hiện nay kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.
Chấn chỉnh tâm lý ngại sai của một bộ phận cán bộ, công chức ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu ý kiến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sáng 27/10, theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách.

Tham gia thảo luận, một số đại biểu đã nêu lên việc có một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý ngại sai, không dám làm việc, qua đó làm cản trở việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), hiện nay kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự... cùng với những tồn tại, hạn chế khác mà Chính phủ nêu trong báo cáo.

Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2023.

[Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội]

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.

Trao đổi và làm rõ hơn ý kiến với phát biểu của đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ sự đồng ý với nhận định về việc có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chỉ đề cập đến nguyên nhân là do vướng mắc chính sách, pháp luật thì chưa đủ.

Đại biểu cho rằng qua nghiên cứu, tìm hiểu, nguyên nhân chính là do con người, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu cho biết có thể chia ra làm 3 nhóm còn "ngại việc," không dám làm việc.

Thứ nhất, nhóm cán bộ có năng lực hạn chế, có tình trạng sợ, không dám làm.

Nhóm thứ hai là những người có năng lực nhưng ý thức, tinh thần còn hạn chế, làm việc theo kiểu “nghe ngóng,” né tránh.

Nhóm thứ ba là nhóm cán bộ không muốn làm, không dám làm, làm cầm chừng bởi vì cán bộ tiền nhiệm làm không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, cho nên nay làm đúng thì sẽ làm phát sinh ra những vấn đề sai phạm trước đây.

Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng Thủ tướng rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, trong khi đó ở dưới, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn có tâm lý ngại sai, không dám làm việc.

Do đó, cần phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt, để không làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và công tác phục vụ nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục