Những vi phạm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Hoằng Hóa khiến nhiều hộ dân rất bức xúc. Người dân cho biết họ làm hồ sơ xin cấp "sổ hồng" nhưng nhiều lần bị trả về, yêu cầu bổ sung mà nhiều năm nay vẫn chưa xong.
Bài 2: Chấn chỉnh, xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm
Với những vi phạm trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), người dân mong muốn Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa xem xét, kỷ luật nghiêm những cán bộ để xảy ra sai phạm, qua đó chấn chỉnh hoạt động này, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Người dân bức xúc
Những vi phạm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Hoằng Hóa, nhiều hộ dân rất bức xúc. Người dân cho biết họ làm hồ sơ xin cấp "sổ hồng" nhưng nhiều lần bị trả về, yêu cầu bổ sung mà nhiều năm nay vẫn chưa xong.
Theo bà Phùng Thị Liên, ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), gia đình bà nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều năm nay vẫn chưa xong, dù đã nhiều lần chỉnh sửa và bổ sung giấy tờ.
Bà Liên băn khoăn: "Tại sao một số hộ dân lại được cấp sổ nhanh chóng, đồng thời chính quyền xã Hoằng Phụ cũng như chính quyền huyện Hoằng Hóa lại để xảy ra vi phạm như vậy? Người dân chúng tôi mong Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quan tâm vào cuộc kiểm tra, tháo gỡ, không để cán bộ gây khó dễ cho dân khi đi xin cấp "sổ hồng."
Nguồn gốc đất nhà tôi được người dân xác nhận rõ ràng, mong các cấp chính quyền sớm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ổn định đời sống."
Nói về thời gian chỉ trong 3 ngày hoàn thành một loạt thủ tục đất đai và để xảy ra sai phạm (từ ngày 4/3 đến ngày 7/3/2022, ông Thành vừa được cấp "sổ hồng" cho hơn 1.710m2, sau đó hoàn thành thủ tục tách diện tích đất trên thành 7 thửa đất, tiếp tục bán đất cho 7 người khác và cả 7 người này đều được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), ông Phạm Bá Bảy (cán bộ địa chính xã Hoằng Phụ từ năm 2013 đến hết năm 2022, là người trong cuộc lập hồ sơ cấp sổ cho hộ ông Thanh, bà Nam) trao đổi với phóng viên TTXVN cũng lắc đầu nói: “Hai bộ hồ sơ này được cấp Giấy chứng nhận quyền đất và chia tách ra các sổ nhỏ quá nhanh.”
Theo ông Phạm Bá Bảy: "Để lập được hồ sơ, việc cốt lõi đầu tiên là phải do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trích lục và lập số lô, số thửa thì ra được diện tích, hồ sơ hoàn thiện, tiếp đó gửi sang huyện, huyện sẽ về kiểm tra và thẩm định, nếu được thì Ủy ban Nhân dân huyện mới cấp giấy chứng nhận. Thửa đất đó có được công nhận để cấp giấy hay không phải do cấp huyện, còn xã không có quyền gì. Xã có lập hồ sơ hoàn thiện bao nhiêu bộ, nhưng lên huyện thẩm định không đúng, không hợp lý thì cũng bỏ ra, không ai cấp sổ cả."
Chấn chỉnh hoạt động cấp "sổ hồng"
Trao đổi về trách nhiệm của bản thân trong công tác thẩm định hồ sơ khi để xảy ra vi phạm, bà Lê Thị Hiền, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa thừa nhận: "Là người thẩm định trực tiếp hồ sơ xin cấp sổ của hộ ông Thành, hộ bà Nam, bản thân tôi nhận trách nhiệm là có thiếu sót trong quá trình giám sát, kiểm tra về chuyên môn, về quản lý. Luật Đất đai 2024 quy định rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, xác nhận ở giai đoạn nào thì chịu trách nhiệm ở giai đoạn đó. Cá nhân tôi đã viết bản kiểm điểm, còn quy trình như thế nào là của bên Phòng Nội vụ huyện và mức kỷ luật thế nào là Hội đồng kỷ luật của huyện quyết định."
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa đã có công văn giao Phòng Nội vụ chủ trì tiến hành các bước kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân để xảy ra vi phạm trong hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xã Hoằng Phụ, Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Trong công văn của huyện yêu cầu xã làm trước, sau đó đến phòng và huyện. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) Nguyễn Thanh Bình cho biết huyện đã có văn bản giao cho xã Hoằng Phụ tổ chức kiểm điểm.
Xã đang làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nội vụ để được hướng dẫn tổ chức kiểm điểm đúng quy định.
Ông Bình khẳng định: "Hai bộ hồ sơ của ông Thành, bà Nam xin cấp sổ sai quy định, xã nhận trách nhiệm của mình. Cá nhân tôi thấy khuyết điểm đó là phía địa phương, kể cả cán bộ công chức địa chính tham mưu chưa tốt. Trong quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên và môi trường trên địa bàn, trách nhiệm đầu tiên là của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã là người chịu trách nhiệm chính, sau đó là cán bộ chuyên môn giúp việc là cán bộ địa chính. Tôi tin tưởng anh em nên có sơ suất. Bản thân tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm."
Từ những vi phạm quy định trong hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến: "Do trình độ năng lực, quản lý ở cấp xã còn hạn chế nên đề nghị các cấp tăng cường công tác kiểm tra để cấp xã làm tốt công tác quản lý về vấn đề pháp lý. Ở địa phương anh em nhiều khi chưa nắm chắc các quy định nhưng cố gắng làm hết khả năng của mình nên không tránh khỏi hạn chế. Đề nghị các cấp tăng cường kiểm tra, chỉ đạo để không còn xảy ra tình trạng cấp sai."
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) Hoàng Ngọc Dự khẳng định: "Trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, tồn tại đến đâu sẽ căn cứ vào quy định pháp luật ở thời điểm đó để xử lý. Dựa trên cơ sở bản kiểm điểm của từng cá nhân, Hội đồng kỷ luật huyện Hoằng Hóa xem xét mức độ sai phạm để có kết luận kỷ luật cán bộ công chức, cán bộ đảng viên.
Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa đang tiến hành các bước, hình thức kỷ luật sẽ do Hội đồng kỷ luật của huyện đưa ra, quan điểm là không bao che, nhằm chấn chỉnh hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn"./.