Thông minh, có phong cách, tự tin, đó chính là Paula Broadwell, người phụ nữ đã khiến giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus mất chức. Sinh ra và lớn lên tại North Dakota, tốt nghiệp trường West Point và Đại học Harvard, rồi trở thành chuyên gia chống khủng bố, những tưởng cô dường như đã có tất cả những gì người ta mơ ước. Nhưng sau khi có được cơ hội lý tưởng để viết sách về vị tướng được ca ngợi nhất Mỹ, người phụ nữ đã có chồng và hai con này đã vướng vào một cuộc tình khiến người hùng của nước Mỹ mất sự nghiệp, còn cô thì mang tiếng xấu. Liệu mối quan hệ của Paula với Petraeus, người cô gọi là thầy, có xuất phát từ tình yêu thực sự, hay chỉ là sự say mê hoặc thậm chí là một sự ám ảnh? Tại sao cô lại gửi thư điện tử đe dọa một kẻ tình địch để rồi có nguy cơ mất tất cả? "Niềm đam mê. Xúc cảm mãnh liệt. Ảo tưởng. Ba từ đơn giản này có thể mô tả một phần sự phức tạp của Paula Kranz" - đó là những từ nằm phía dưới chân dung cô gái 40 tuổi đăng trên trang web của trường Trung học Century tại Bismarck, North Dakota. Rời phổ thông, Paula bắt đầu hướng sự chú ý của cô tới chiến tranh và việc giải quyết xung đột, bắt đầu bằng việc theo học ở học viện quân sự West Point danh giá. Cuộc đời của Paula có bước ngoặt lớn vào năm 2006 khi người phụ nữ tham vọng này lần đầu gặp Petraeus - nhân vật khi đó tới phát biểu ở trường Harvard, nơi cô đang theo học bằng thạc sĩ quản trị công. [Bê bối tình ái của giám đốc CIA vỡ lở như thế nào] "Tôi đã giới thiệu bản thân với người khi đó là tướng ba sao Petraeus và nói với ông về các mối quan tâm nghiên cứu của ông" - cô viết trong cuốn tiểu sử của viên tướng hiện đã lên 4 sao mang tên "All In: The Education of Gen. David Petraeus." (Tất cả mọi thứ: Hoạt động giáo dục của tướng David Petraeus). "Tôi sau đó phát hiện rằng ông nổi tiếng vì phương thức dạy dỗ và kết nối kiểu này, đặc biệt với các học giả là quân nhân có triển vọng" - cô viết, nói rằng vị tướng đã gửi cho cô danh thiếp của ông và đề nghị giúp cô liên lạc với những người khác đang nghiên cứu về cùng các chủ đề. Tờ Washington Post nói rằng Paula, một sĩ quan trong Lực lượng dự bị Lục quân Mỹ, quyết định nghiên cứu mẫu về phong cách lãnh đạo của Petraeus trong năm 2008 và theo thời gian, hai người đã có nhiều giờ làm việc cùng nhau, đặc biệt là khi cô quyết định viết tiểu sử về ông.
Sự thân thiết quá đỗi giữa David Petraeus và Paula Broadwell khiến nhiều người phải nhướn mày (Nguồn: AFP)
Tiến trình "phỏng vấn" giữa hai người thường liên quan tới các chuyến tham quan, thi thoảng là những chuyến đi trên máy bay riêng của Petraeus, khiến một số người nhướn mày. "Tôi thấy quan hệ của cô ta với ông ấy là vấn đề gây lúng túng" - một cựu trợ lý của Petraeus cho biết. Tuy nhiên một số khác đã bày tỏ nghi ngờ về vụ bê bối tình ái của Paula và Peatreaus. "Tôi có những câu hỏi nghiêm túc về việc ai đang kết nối các chi tiết nhỏ và thông qua cách nào" - ABC News dẫn lời David Bixler, một quân nhân tật nguyền đã quen biết Paula qua một quỹ từ thiện tuyên bố - "Paula Broadwell không phải loại người đó... cô ấy không phải như vậy". Đây cũng là nhận xét chung của các hàng xóm của Paula ở Charlotte, Bắc Carolina, về cuộc sống riêng của cô với chồng Scott, một chuyên gia vô tuyến điện. "Không có gì lạ khi nhìn vào phòng ăn tối của gia đình cô ấy vào đêm và thấy ánh nến hắt ra khi họ đang ăn tối" - tờ New York Times dẫn lời bạn của Paula là Sarah Curme cho biết - "Chúng tôi đánh giá cô ấy như một người hàng xóm, một người mẹ, một người vợ bình thường." Có ít thông tin được tiết lộ về chồng của Paula, dù anh này có xuất hiện ngắn cùng vợ trong chương trình "Daily Show" của cây hài Jon Stewart hồi tháng Giêng năm nay, trong đó 3 người đã thi chống đẩy với nhau. Paula, với tay áo xắn lên để lộ bắp thịt rắn chắc, đã đánh bại cả hai người đàn ông. Trong show truyền hình này, Paula nói rằng Petraeus là người "tràn đầy năng lượng." Cô cũng thường nói chuyện về mình. Trên trang mạng xã hội LinkedIn, cô gái tóc nâu mô tả việc chèo thuyền kayak, nâng tạ và đấm bốc là sở thích của mình. Cô còn thích nếm rượu vang, nấu ăn và bắn súng. Paula cũng thích chạy và từng nhiều lần thi triathlon (3 môn phối hợp). Cô cũng dành nhiều thời gian phục vụ các cựu chiến binh và từng là thành viên ban cố vấn của quỹ Carolinas Freedom. Hiện chưa rõ Paula sẽ tiếp tục sống ra sau sau sự cố này. Kể từ khi bê bối nổ ra, cô vẫn chưa phát biểu hoặc xuất hiện trở lại trước công chúng. Bài viết gần đây nhất của cô và đăng trên tờ Newsweek cách nay vài ngày mang tựa đề "General David Petraeus's Rules for Living" (Các nguyên tắc sống của tướng David Petraeus) có thể hé lộ chút thông tin giá trị về việc cô sẽ sống ra sao. "Chúng ta ai cũng mắc sai lầm. Vấn đề là phải biết nhận ra và thừa nhận việc mình mắc sai lầm, học hỏi sai lầm và không nhìn lại mà đi tiếp và tránh mắc lỗi" - cô viết về một nguyên tắc ở trong bài. Có điều chắc chắn rằng hình ảnh đẹp đẽ của Paula sẽ không còn nguyên vẹn như trước. Trong một dấu hiệu cho thấy Paula đã trượt dài tới đâu, một tờ báo Mỹ gần đây đã gọi cô là "Lewinsky của Lầu Năm Góc," có ý nhắc tới cô thực tập sinh nổi tiếng vì vướng vào bê bối tình ái với cựu Tổng thống Bill Clinton./.
Linh Vũ (Vietnam+)