Châu Á có thể hồi phục nhanh sau khủng hoảng

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/2, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dominique Strauss Kahn nhận định rằng một số nền kinh tế ở khu vực châu Á rất năng động, có nhiều tiềm năng và nền tảng vững chắc, nhờ đó sẽ phục hồi rất nhanh chóng trong quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới hiện đang bên bờ vực khủng hoảng.

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/2, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dominique Strauss Kahn nhận định rằng một số nền kinh tế ở khu vực châu Á rất năng động, có nhiều tiềm năng và nền tảng vững chắc, nhờ đó sẽ phục hồi rất nhanh chóng trong quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới hiện đang bên bờ vực khủng hoảng.
 
Các nền kinh tế châu Á vốn lệ thuộc vào xuất khẩu sang các nền kinh tế Mỹ và châu Âu, do đó bị tác động rất mạnh khi các thị trường này bị khủng hoảng phải giảm nhập khẩu hàng hóa.
 
Hàn Quốc đã thông báo tỷ lệ xuất khẩu giảm kỷ lục gần 30% trong vòng một năm. Hàng xuất khẩu của Nhật Bản giảm tới 35% trong khi Đài Loan mất gần 42%. Trung Quốc, đầu tàu kinh tế của khu vực từ nhiều năm nay cũng không thoát khỏi cơn "địa chấn" này.
 
Tuy nhiên, theo Giám đốc IMF, kinh tế châu Á có thể phục hồi vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010, trong đó mức tăng trưởng năm nay có thể đạt 2,7% và năm 2010 đạt trên 5%. Mặc dù cho rằng triển vọng này còn bấp bênh và không loại trừ kết quả xấu nhất, song ông Kahn khẳng định một khi các nền kinh tế Mỹ và châu Âu bắt đầu thoát khỏi suy thoái, kinh tế châu Á "có thể phục hồi rất nhanh".
 
Để có thể nhanh chóng hồi phục, giới phân tích cho rằng các nước châu Á cần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, các nước châu Á phải xem xét lại và thay đổi mô hình phát triển từ trước đến nay là "người châu Á sản xuất, người Mỹ tiêu dùng."
 
Chính phủ các nước châu Á đã đưa ra các kế hoạch kích cầu trong nước lên đến hàng chục tỷ USD để thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng bên cạnh đó, bản thân người dân châu Á cũng phải thay đổi lối sống, tích cực tiêu dùng hơn.
 
Một chuyên gia của Ngân hàng HSBC phân tích muốn các biện pháp mang lại hiệu quả thì cần phải có thêm nhiều cải cách sâu rộng. Người dân phải từ bỏ thói quen cất tiền trong ngân hàng, nhà nước phải có chính sách kích thích người dân chi tiêu.
 
Cụ thể, đối với Trung Quốc, giới phân tích cho rằng chính phủ phải có những biện pháp an sinh xã hội, bảo hiểm bệnh tật, chu cấp đầy đủ cho người về hưu và cải tiến giáo dục học đường. Song song với các biện pháp này là các chương trình phát triển kinh tế ở những vùng nông thôn nghèo. Đối với Ấn Độ và các nước ASEAN, chính quyền cần cải tiến và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn.
 
Các chuyên gia cho rằng
sự thay đổi trên vẫn là cần thiết và phải thực hiện lâu dài. Tuy nhiên, châu Á vẫn cần tiếp tục giữ vai trò "công xưởng sản xuất cho thế giới"./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục