Châu Á là đầu tàu phục hồi kinh tế thế giới 2009

Trong bức tranh kinh tế thế giới đượm màu xám năm 2009, châu Á đã nổi lên là một điểm sáng, đầu tàu phục hồi kinh tế của thế giới.

Sự phục hồi kinh tế hình chữ V của châu Á diễn ra là nhờ các biện pháp đối phó nhanh chóng của một số quốc gia, cùng với khả năng chống chọi khủng hoảng của Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong hai năm 2008 và 2009, thế giới chao đảo vì "sóng thần tài chính". Phải gọi như thế vì thật khó tìm được từ nào chính xác hơn để mô tả cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu ấy, bởi nó ập đến với tốc độ ít ai ngờ tới, và ở mọi nơi, người ta đều nhìn thấy nó, nhưng không thể tìm đường trốn, và thế là chỉ trong chốc lát, nó đã trùm lên tất cả.

Sức mạnh của cơn "sóng thần" ấy lớn chưa từng thấy, với quy mô ảnh hưởng vượt xa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 hay cuộc khủng hoảng tiền tệ dẫn đến Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.

Nhìn lại "cơn sóng thần"

Hơn một năm trước, “giấc mơ Mỹ” tan tành khi bong bóng bất động sản nổ tung. Lòng tham của các nhà đầu tư, môi giới và sự vô trách nhiệm của các ngân hàng là căn nguyên làm sụp đổ thị trường tín dụng nhà đất Mỹ, thổi bay bức màn bao phủ hào nhoáng về một nền kinh tế tư bản tự do.

Bộ mặt thật của nền kinh tế Mỹ đã bộc lộ những khiếm khuyết khi lòng tham của không ít các"đại gia" bị đẩy lên cao độ. Các ngân hàng Mỹ ồ ạt cho vay với niềm tin tuyệt đối vào sự thịnh vượng của thị trường bất động sản, còn giới đầu cơ ồ ạt ôm về những bao tải tiền vay với hy vọng chẳng mấy chốc lãi mẹ sẽ đẻ lãi con, và khi ấy, việc trả lãi ngân hàng chỉ là"chuyện vặt".

Cả hai làn sóng này đều xuất phát từ lòng tham, mỗi anh tham một kiểu, và nó lại diễn ra trong thời gian dài, nên đương nhiên đã dẫn đến bi kịch thị trường bất động sản rớt giá thảm hại và đóng băng.

Lãi suất bị đẩy lên cao, hàng loạt đối tượng vay vốn mất khả năng thanh toán khiến nợ xấu chồng chất. Nạn đầu cơ ở mức độ thảm khốc đã đánh sập cả những ngân hàng lâu năm và danh tiếng nhất nước Mỹ.

Hậu quả tiếp theo là thị trường chứng khoán New York sụt giảm thảm hại, làm choáng váng cả giới đầu tư lẫn nhà quản lý. Hàng loạt đại gia ngân hàng Mỹ lần lượt sụp đổ như AIG, Fannie Mae và Freddie Mac, Lehman Brothers…. Như một phản ứng dây chuyền, từ Mỹ, nơi có nền kinh tế từ lâu lắm rồi đã là số một thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính ấy đã lan nhanh sang châu Âu rồi châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi, không từ một ngóc ngách nào, làm chao đảo những đầu tàu kinh tế của khu vực như Nhật Bản ở châu Á, Anh-Pháp-Đức ở châu Âu, tới tận bên kia bán cầu là Australia, v.v, khiến giới đầu tư hoảng loạn và bán tổng bán tháo cổ phiếu...

Điểm sáng châu Á

Trong bức tranh kinh tế thế giới đượm màu xám ấy, châu Á đã nổi lên là một điểm sáng. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa nâng mức dự báo tăng trưởng của châu Á lên 4,5% năm 2009 sau khi số liệu trong quý III năm nay của nhiều nền kinh tế khu vực cho thấy tốc độ phục hồi nhanh hơn dự đoán.

Theo ADB, các nền kinh tế khu vực Đông Á gồm Trung Quốc, Hongkong và Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Mông Cổ sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm 2009 và 7,3% vào năm 2010, trong khi 10 nền kinh tế Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng 0,6% năm 2009 và 4,5% năm 2010.

Sự phục hồi kinh tế hình chữ V của châu Á diễn ra là nhờ các biện pháp đối phó nhanh chóng của một số quốc gia, cùng với khả năng chống chọi khủng hoảng của Trung Quốc và Ấn Độ.

Từ cuối năm ngoái, thông qua các kế hoạch đối phó với khủng hoảng, nhiều nước châu Á đã bơm tiền kích thích kinh tế, dẫn đầu là Trung Quốc với kế hoạch 600 tỷ USD. Trọng tâm của các kế hoạch kích cầu đó là hướng vào thị trường nội địa, khai thác sức mạnh tiềm năng của tiêu dùng trong nước vốn bị sao nhãng lâu nay.

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã kịp điều chỉnh chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu, từ đó tạo đà để vực sức cầu nội địa. Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần nhiều sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ phụ thuộc vào châu Á, với những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều rủi ro đối với các nền kinh tế châu Á trong năm tới. Sự phục hồi của các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản còn nhiều bất trắc. Do vậy, mặc dù châu Á đang đi đầu trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới, nhưng vấn đề lớn nhất là liệu đà phát triển này có thể tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng một cách mạnh mẽ vào năm tới hay không. ADB cho rằng chính phủ các nước trong khu vực cần tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua các gói kích thích kinh tế đã đề ra.

Vấn đề quan trọng là thời điểm, bởi nếu tính toán sai thời điểm áp dụng các biện pháp hỗ trợ thì tăng trưởng sẽ chững lại, thậm chí đi xuống, làm gia tăng nguy cơ lạm phát và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Những thay đổi trên bản đồ kinh tế thế giới

Vẫn còn quá sớm để khẳng định thế giới đã thoát khỏi suy thoái, nhưng đã xuất hiện nhiều thay đổi mang tính lịch sử trên bản đồ kinh tế thế giới. Khủng hoảng đang đẩy cán cân quyền lực kinh tế dịch chuyển từ Tây sang Đông.

Sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi buộc các nước phát triển phải nhìn nhận lại vị thế của họ trên bản đồ kinh tế thế giới. Việc nhóm 20 nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi (G-20) vừa quyết định chuyển 5% quyền bỏ phiếu trong IMF cho các nền kinh tế mới nổi là bước đi tất yếu khi mà các nền kinh tế này đã trở thành động lực cho tăng trưởng trong những năm qua, và nay trở thành cứu tinh cho phục hồi kinh tế thế giới.

Những năm gần đây, trong khi Mỹ mải mê với những hình thức đầu cơ mạo hiểm và Liên minh châu Âu ngủ quên trên vinh quang, thì Nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã kịp dịch chuyển “các đường biên giới mềm”. Điển hình là Trung Quốc, nước đạt tốc độ tăng trưởng Tổng giá trị sản phẩn quốc nội (GDP) 8,9% trong năm nay. Đây là thành tích thần kỳ trong bối cảnh đâu đâu cũng suy thoái.

Vết sẹo khủng hoảng khó phai mờ

Mặc dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng kinh tế thế giới vẫn bấp bênh do cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua đã để lại một vết sẹo rất khó phai mờ. Để đối phó với khủng hoảng, chính phủ các nước đã tung ra nhiều chương trình kích thích kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD và rót hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng để giúp khôi phục các luồng tín dụng, trong khi các ngân hàng trung ương giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục (gần 0%) ở Mỹ và Nhật Bản.

Tuy chậm, song những nỗ lực này cũng mang lại kết quả. Các nền kinh tế chủ chốt đang phục hồi, mặc dù chưa mấy "ngoạn mục". Trong quý 3 năm nay, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,8%; Nhật Bản tăng ở mức khiêm tốn 1,3%; khu vực đồng euro tăng 0,4%; Trung Quốc tăng tới 8,9%. Tuy nhiên, Giám đốc C. Fred Bergsten thuộc Viện Kinh tế Quốc tế có trụ sở ở Washington cho rằng đến nay, những kết quả trên "vẫn chưa rõ ràng".

Theo ông Bergsten, các biện pháp can thiệp xem ra chỉ giúp "hãm phanh" tốc độ lao dốc của kinh tế và phục hồi một số động lực tích cực trong hầu hết các trường hợp.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Joachim Fels thuộc Công ty Morgan Stanley nhận định các nền kinh tế xem ra sẽ "phục hồi khá bấp bênh" vì các ngân hàng tỏ ra miễn cưỡng trong việc cho vay và dự báo tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Trong xu thế vận động hiện nay, thị trường tài chính, ngân hàng, ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế liên thông với nhau. Vấn đề phát sinh ở một lĩnh vực, nếu không được giải quyết triệt để, sẽ lan sang lĩnh vực khác. Để trả lời câu hỏi thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng hay chưa, phải giải đáp được căn nguyên của khủng hoảng đã được giải quyết tận gốc rễ hay chưa.

Căn nguyên đó nằm ở hệ thống tài chính phương Tây, nếu ngành ngân hàng không rút được kinh nghiệm từ bài học xương máu này, tiếp tục sa đà vào những hình thức đầu cơ mới, thế giới vẫn có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng kép./.

Tiến Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục