Châu Á-TBD là một khu vực mang tầm chiến lược

Một loạt sự kiện liên quan tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương tuần qua với sự tham gia của Mỹ cho thấy tầm quan trọng của một khu .
Nếu ví nước Mỹ là con thuyền đang lênh đênh trên đại dương bao la, Washington sẽ thừa nhận rằng châu Á-Thái Bình Dương chính là chiếc la bàn giúp họ cập bến trong thế kỷ 21.

Trong hành trình tìm bến đỗ an toàn, các cơ chế hợp tác đa phương về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội tại châu Á-Thái Bình Dương chính là chất xúc tác giúp Mỹ nắm bắt cơ hội về lợi ích và khẳng định sự có mặt của mình trong chuỗi ngày dài khủng hoảng.

Một loạt sự kiện liên quan tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tuần qua với sự tham gia của Mỹ đã cho thấy tầm quan trọng của một khu vực mang tầm chiến lược.

Sự tham dự lần đầu tiên của Washington tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vừa diễn ra ở Bali (Indonesia) với tư cách thành viên đầy đủ của cơ chế này được xem là có thể thúc đẩy sự chuyển đổi cán cân quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với việc tăng cường hợp tác với ASEAN, tiến hành một loạt chuyến thăm ngoại giao các nước trong khu vực và liên tục khẳng định sự hợp tác về an ninh và kinh tế với châu Á-Thái Bình Dương, Washington đang muốn tái khẳng định cam kết trở lại và gắn khu vực này với các lợi ích quốc gia của Mỹ.

Chiến lược tái cam kết với Đông Á được Chính quyền Obama lần đầu tiên thông báo vào năm 2009, song trên thực tế Washington chưa bao giờ lãng quên khu vực này. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, do mải tập trung tiềm lực vào khu vực Trung Đông và Nam Á, nên đến hiện giờ Washington mới giật mình nhận ra rằng lợi ích của mình tại Đông Á đang bị suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, chính trị và ảnh hưởng của Trung Quốc không ngừng được mở rộng nhanh chóng trong khu vực.

Sức mạnh toàn cầu của Mỹ dựa phần lớn vào khả năng kiểm soát của nước này trên các đại dương và Đông Á chính là sân chơi của các quan hệ kinh tế và chính trị trong tương lai gần. Vì vậy, ngay lập tức Chính quyền Obama đã đầu tư đáng kể nguồn vốn chính trị vào châu Á kể từ sau thông báo rầm rộ trở lại Thái Bình Dương từ hơn hai năm trước.

Với ông Obama, gốc gác ở cả Hawaii và Indonesia đã giúp ông thấm nhuần một thế giới quan Thái Bình Dương. Việc rút quân khỏi Irắc và Afghanistan đã cho ông cơ hội để tập trung nguồn lực gia tăng ảnh hưởng ở khu vực chiến lược này. Mỹ đang thực hiện một loạt biện pháp nhằm đạt được mục tiêu trên.

Làm bạn với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương

Hiện Mỹ đã vượt qua các mối quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines để kết nối với những nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia.

Đáng chú ý, thỏa thuận quân sự mới đạt được với Australia, việc tăng cường hợp tác quân sự và thông qua Đối tác toàn diện Mỹ-Indonesia, cùng cái bắt tay chiến lược với Ấn Độ, đặc biệt trong vấn đề biển, là những minh chứng rõ nét nhất cho bước tiến của mục tiêu này. Bên cạnh đó, Washington cũng tiến gần hơn với Lào, Campuchia, Myanmar nhằm gia tăng ảnh hưởng.

Nỗ lực định hình các thể chế đa phương trong khu vực

Mỹ đang nỗ lực định hình các thể chế đa phương trong khu vực (điển hình là vai trò của Mỹ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP), đồng thời tránh để ra đời một đồng minh mạnh trong khu vực mà không có sự tham gia của Mỹ.

Ngoài ASEAN và một số thể chế kinh tế và chiến lược do ASEAN đứng đầu, Mỹ còn phối hợp với một loạt các khối tiểu khu vực như Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, Hội nghị thượng đỉnh sông Mekong...

Tự điều chỉnh chính sách

Washington đang tái bố trí lực lượng ở Thái Bình Dương để nâng cao tính hiệu quả, điều chỉnh lại học thuyết quân sự nhằm đối phó với các thách thức mới xuất phát từ thực tế như việc một số nước từ chối tiếp nhận các căn cứ quân sự của Mỹ, hay sắp xếp lại các quan hệ đối tác an ninh.

Một năm trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thông báo sáng kiến thành lập khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Năm nay, bà tiếp tục khẳng định “Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương.”

Rõ ràng, Washington đang xác định mục tiêu can dự chiến lược trải dài từ Ấn Độ Dương tới bờ biển phía Tây nước Mỹ, tạo ra một cấu trúc chiến lược mới cho thế kỷ 21.

Nỗ lực đảm bảo ngân sách quốc phòng

Trước sức ép từ cuộc khủng hoảng kinh tế, Nhà Trắng phải làm sao để hài hòa các nguồn lực tài chính và quân sự đang dần eo hẹp cho các cam kết ở châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí là Ấn Độ Dương. Đảm bảo ngân sách quân sự, đặc biệt là củng cố sức mạnh hải quân, là điều Chính quyền Obama phải làm được.

Mitt Romney, nhân vật được cho là một trong những ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, mới đây đã tuyên bố rằng “sẽ đảo ngược tình trạng giậm chân tại chỗ của Hải quân Mỹ” với một vài sáng kiến được đưa ra. Đây cũng là một quan điểm cho thấy hướng tới châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn là mục tiêu chiến lược của Mỹ cho dù đảng nào giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Khi đứng trên đất liền, bạn biết rõ mình đang ở đâu. Nhưng khi ở ngoài khơi, tất cả trở nên mờ mịt. Nguyên lý này được Daniel Yergin - chuyên gia năng lượng và tác giả cuốn sách nổi tiếng “Dầu mỏ: Tiền bạc và quyền lực” - áp dụng khi nói về khả năng tìm kiếm nguồn tài nguyên, và đó cũng là một thực tế mà bất kỳ ai đã đi biển đều phải thừa nhận.

Trên đại đương, la bàn là vật dụng sống còn, và các phương tiện hỗ trợ con tàu trở về đất liền an toàn cũng quan trọng không kém. Nước Mỹ đang vận dụng nguyên lý đó để thực hiện các mục tiêu trong thế kỷ 21./.

Đỗ Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục