Châu Âu ra mắt lực lượng chung chống thánh chiến ở khu vực Sahel

Hiện tại, mới chỉ có 5 nước châu Âu là Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan và Bồ Đào Nha chính thức tham gia lực lượng chung chống thánh chiến ở khu vực Sahel theo sáng kiến của Pháp.
Châu Âu ra mắt lực lượng chung chống thánh chiến ở khu vực Sahel ảnh 1Takuba có nhiệm vụ hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang Mali trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố. (Nguồn: defencebelgium.com)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27/3, 11 nước châu Âu đã tuyên bố chính thức ra mắt Lực lượng tương lai "Takuba."

Đây là một nhóm các lực lượng đặc biệt châu Âu kết hợp cùng với binh sỹ Mali để chống lại các nhóm thánh chiến. Nhưng hiện chỉ có 6 quốc gia cử binh lính tham gia.

Trong một thông cáo báo chí, 11 quốc gia (gồm Đức, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Anh và Thụy Điển) cho biết rằng tình hình an ninh ở Mali, và nhất là các nước khu vực Sahel, hiện vẫn đáng lo ngại và cần sự hỗ trợ chính trị để thành lập một đội đặc nhiệm, hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang Mali trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố và hỗ trợ Chiến dịch Barkhane và Lực lượng Liên quân của G5 Sahel.

Với số lượng lên đến hàng trăm binh sỹ, Takuba sẽ bắt đầu hoạt động vào mùa Hè này dưới sự chỉ huy của Pháp ở vùng Liptako, ở khu vực biên giới giữa Niger và Mali, được cho là nơi ẩn náu của các nhóm thánh chiến, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Grand Sahara (EIGS).

Hiện tại, mới chỉ có 5 nước châu Âu là Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan và Bồ Đào Nha chính thức tham gia sáng kiến của Pháp.

Trong khi đó, Thụy Điển đang chờ quốc hội cho phép tham gia Takuba, dưới hình thức lực lượng phản ứng nhanh.

Về phần mình, Na Uy đã tuyên bố không gửi binh lính tham gia trong giai đoạn này.

Các nước G5-Sahel (gồm Burkina Faso, Cộng hòa Chad, Mali, Mauritania và Niger) đang phải đối mặt với các cuộc tấn công thánh chiến của các nhóm Hồi giáo vũ trang trong 8 năm qua.

Một cuộc nổi dậy cục bộ bắt đầu ở miền Bắc Mali năm 2012, sau đó lan rộng đến miền Trung nước này và các nước láng giềng Burkina Faso, Niger.

Theo Liên hợp quốc, ít nhất 4.000 người ở 3 quốc gia trên đã thiệt mạng trong năm 2019, tăng gấp 5 lần so với năm 2016.

Các hoạt động cực đoan ngày càng gia tăng bất chấp sự hiện diện của phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, với 13.000 binh lính ở Mali, và lực lượng Barkhane của Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục