Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 17/9, châu Âu và Bắc Mỹ hiện đang tiếp nhận phần lớn nhất trong tổng số 272 triệu người di cư trên toàn thế giới, tăng 51 triệu người, tương đương 23% so với thập kỷ trước.
Báo cáo cho thấy có 82 triệu người di cư đang sống ở châu Âu và 59 triệu người tại Bắc Mỹ trong năm 2019.
Con số này ở khu vực Bắc Phi và Tây Á đều ở mức 49 triệu người. Lượng người di cư chiếm tới 3,5% dân số thế giới, cao hơn so với mức 2,8% trong năm 2000.
Báo cáo này được tính toán dựa trên số liệu thống kê chính thức quốc gia về người nước ngoài trong điều tra dân số, các dữ liệu dân số, hoặc khảo sát đại diện quốc gia.
[Vấn đề người di cư: Italy cho phép tàu chở người di cư cập cảng]
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Kinh tế và Các vấn đề xã hội Lưu Chấn Dân nhấn mạnh những số liệu này giúp các bên hiểu được tầm quan trọng của người di cư đối với sự phát triển của quốc gia khởi nguồn và nơi đến.
Theo ông, việc di cư có trật tự, an toàn và định kỳ và có trách nhiệm và sự di chuyển của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Đáng chú ý, khi xét theo từng quốc gia, một nửa trong số 272 triệu người di cư chỉ sống tập trung ở 10 nước, trong đó Mỹ xếp đầu bảng với 51 triệu người.
Các nước khác trong danh sách gồm Đức và Saudi Arabia (13 triệu người), Anh (10 triệu người), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) (9 triệu người), Pháp, Canada, Australia (đều 8 triệu người) và Italy (6 triệu người).
Xét theo những quốc gia có nhiều người di cư ra nước ngoài nhất, Ấn Độ đứng đầu với 18 triệu người đang sống ở nước ngoài, tiếp đó là Mexico (12 triệu người), Trung Quốc (11 triệu người), Nga (10 triệu người) và Syria (8 triệu người)./.