Châu Phi bên bờ vực của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng

Có thể khẳng định rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã và đang đẩy các doanh nghiệp châu Phi rơi vào tình cảnh bi thảm khi dịch bệnh phá hủy bộ máy kinh tế.
Châu Phi bên bờ vực của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá cả nguyên vật liệu sụt giảm, dòng tài chính sụp đổ, ngành du lịch đình trệ, khả năng đi lại của công nhân bị hạn chế... là những gì châu Phi đang phải đối mặt khi mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tràn đến lục địa này.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, châu Phi đang “bên bờ vực” của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Ethiopian Airlines, hãng hàng không nhà nước lớn nhất ở châu Phi, biểu tượng của tham vọng kinh tế lục địa hay của mô hình kinh tế "tinh thần châu Phi mới" đang phải vật lộn để tồn tại.

Đại dịch COVID-19 đã buộc hãng phải dừng 85% hoạt động trên các chuyến bay quốc tế và khu vực.

Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành Ethiopia Airlines, ông Tewolde Gebremariam gần đây đã từng bày tỏ sự thất vọng của mình: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng dịch bệnh lại lan rộng, nhanh và nguy hiểm như thế này. Dịch bệnh phát triển quá nhanh, gây quá nhiều thiệt hại mà không ai có thể tưởng tượng được."

Không giống như các công ty châu Phi khác, Ethiopian Airlines tuy không ngừng hoàn toàn hoạt động, nhưng hãng sẽ mất nhiều năm để có thể phục hồi.

Trường hợp của Ethiopian Airlines là một ví dụ đặc trưng của cú sốc kinh tế tàn khốc và không thể đoán trước. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả, từ những doanh nghiệp kinh tế “khổng lồ” như Ethiopian Airlines, đến những người bán hàng rong trên đường phố; từ ngân sách khổng lồ của Nam Phi - nền kinh tế lớn nhất lục địa, đến tầng lớp bần hàn của một gia đình ở Mali thường sống bằng những khoản tiền trợ cấp ít ỏi mà người thân di cư gửi về...

Châu Phi bên bờ vực của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ảnh 2Máy bay của hãng Ethiopian Airlines. (Nguồn: The Travel Magazine)

Các mô hình kinh tế lượng cũng đang “vận hành” ở tốc độ tối đa nhằm nỗ lực đánh giá mức độ nghiêm trọng của thảm họa kinh tế. Có thể khẳng định rằng đại dịch COVID-19 đã và đang đẩy các doanh nghiệp châu Phi rơi vào tình cảnh bi thảm khi dịch bệnh phá hủy bộ máy kinh tế.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế được công bố vào ngày 15/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý rằng khu vực châu Phi cận Sahara đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế chưa từng có, đe dọa làm xáo trộn khu vực và đảo ngược tiến trình đạt được trong thời gian gần đây trên mặt trận phát triển.

IMF đã cố gắng định lượng sự suy giảm này mà không thể. Nhiều khả năng châu Phi sẽ chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng ở mức từ -2% đến -5% trong năm 2020, so với mức tăng trưởng 3,2% dự kiến trước đại dịch, điều chưa từng xuất hiện ở châu Phi kể từ 25 năm qua.

Đằng sau những con số hiện hữu trên là những thảm kịch ở một lục địa mà có tới 7 trong số 10 việc làm thuộc nền kinh tế phi chính thức chỉ đủ để đảm bảo sự tồn tại hàng ngày.

Chuyên gia Vera Songwe, Thư ký điều hành của Ủy ban kinh tế Liên hiệp quốc về châu Phi (UNECA), cảnh báo rằng do sự gia tăng dân số châu lục, tăng trưởng bằng không sẽ làm phát sinh thêm gần 50 triệu người nghèo.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chi ra các yếu tố gây ra sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Cụ thể là tình trạng rối loạn thương mại và chuỗi giá trị, làm tê liệt các nhà xuất khẩu hàng hóa và các quốc gia hội nhập cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giảm dòng vốn tài chính nước ngoài (kiều hối, doanh thu du lịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ nước ngoài) và vay vốn; tác động trực tiếp của đại dịch lên các hệ thống y tế; và gây xáo trộn trong các biện pháp cách ly cộng đồng và phản ứng của công chúng.

[Nguy cơ COVID-19 biến thành cuộc khủng hoảng an ninh ở châu Phi]

Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva nhận định rằng châu Phi sẽ phải đối mặt với "một sự suy thoái mọi mặt chưa từng thấy."

Những nhận định về nền kinh tế châu Phi trên cũng phần nào giống với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sự khác biệt giữa châu Phi và châu Âu được ví như “hai chiếc xe ôtô du lịch, một là hạng sang và một là hạng bình dân, với sự khác biệt là chất lượng của bộ giảm xóc."

Doanh nghiệp ở các cường quốc thì có thể trông cậy vào chính phủ để chống lại các cú sốc khủng hoảng kinh tế. Các khoản nợ công của châu Phi từng tăng từ 38% GDP đến 56% GDP trong giai đoạn từ 2008-2018.

Trong khi đó, nợ của Pháp có lên tới 150% GDP do khủng hoảng. Gánh nặng tài chính gây ra sẽ đè nặng lên lĩnh vực tài chính công của Pháp, nhưng chắc chắn sẽ không gây nguy hiểm cho đất nước bởi luôn có các chủ nợ sẵn sàng cho vay tiền với tỷ lệ lãi suất thấp.

Theo chuyên gia kinh tế Jean-Michel Severino, Chủ tịch Quỹ nhà đầu tư và đối tác của Pháp, các quốc gia châu Phi vốn hạn chế trong khả năng tiếp cận thị trường tài chính khi cần đến nguồn tài chính thì các nước phương Tây cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.

Các quyết định gia hạn trả lãi và vốn cho đến cuối năm vừa được Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) công bố là không đủ.

Nhiều chuyên gia châu Phi cho rằng tất cả các cam kết, trong đó bao gồm IMF, WB, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), cũng không đáp ứng nhu cầu của cuộc khủng hoảng.

Các chuyên gia cho rằng điều gì đúng với các nước nghèo nhất cũng đúng với những nước giàu nhất của châu Phi, trong đó có Nigeria, một minh họa về những điểm yếu do phụ thuộc quá lớn vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hơn một nửa tài sản của Nigeria được tạo ra mỗi năm đến từ ngành công nghiệp dầu mỏ.

Trong một báo cáo vừa công bố mới đây, Viện nghiên cứu an ninh châu Phi (ISS Africa) cho biết kinh tế của Nigeria đã bị phá vỡ do giá dầu sụt giảm, sau đó là do chi phí tăng cao trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19. Chỉ một trong hai cuộc khủng hoảng này cũng đã đủ để làm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 của Nigeria, thế nhưng cả hai lại xảy ra đồng thời nên kinh tế nước này chịu thiệt hại nặng nề.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để bù lại cho khoản mất mát này khi nguồn tài chính của Nigeria bị hạn chế và dự trữ ngoại hối của nước này vốn từ 34 tỷ USD đã bị thâm hụt 10 tỷ USD vào đầu năm 2020 khi nước này nỗ lực bảo vệ giá trị đồng tiền nội tệ. Đồng tiền Nigeria đã bị mất giá nghiêm trọng vào tháng Ba, khiến chi phí nhập khẩu tăng cao.

Và khi Nigeria, động cơ của nền kinh tế Tây Phi, bị tổn thương, thì tất cả các hoạt động trong khu vực chậm lại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Nam Phi và Angola, hai quốc gia đầu tàu khác của lục địa.

Theo ISS, nguy cơ châu Phi lâm vào bất ổn chính trị và xã hội luôn hiện hữu nếu không có cách nào để lục địa này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục