Châu Phi cần 1.200 tỷ USD để khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19

IMF ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi sẽ giảm 2,5% trong năm nay, ghi dấu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua.
Hàng hóa xuất khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)
Hàng hóa xuất khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Từ nay đến năm 2023, các nước châu Phi sẽ cần 1.200 tỷ USD để khắc phục những thiệt hại kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Đó là nhận định mới nhất được Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 9/10.

Bà Georgieva cho biết, còn khoảng 345 tỷ USD vẫn chưa được cam kết, trong khi các cam kết từ các chủ nợ chính thức và các tổ chức quốc tế đã đáp ứng gần 1/4 nhu cầu tài chính dự kiến của khu vực này.

Người đứng đầu IMF nhấn mạnh, tất các các quốc gia và các tổ chức trên toàn cầu cần phải hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ châu Phi đối phó với giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng COVID-19 và giúp khu vực này phục hồi sau khủng hoảng.

Bà Georgieva ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi sẽ giảm 2,5% trong năm nay, ghi dấu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua.

[Châu Phi bên bờ vực của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng]

Theo bà, cho dù phục hồi kinh tế có thể diễn ra từ năm tới, nhưng phải đến năm 2022 châu Phi mới có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế như trước khủng hoảng.

Do nguồn tài chính của khu vực tư nhân đang bị hạn chế, IMF dự kiến số tiền tài trợ bị thiếu hụt trong năm nay sẽ vào khoảng 44 tỷ USD và 43 triệu người tại châu Phi có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực, khiến những nỗ lực giảm bớt đói nghèo trong suốt 5 năm qua bị xóa sổ.

IMF đã gia tăng đáng kể hỗ trợ tài chính cho châu Phi trong năm nay, với việc cung cấp khoảng 26 tỷ USD cho hơn 40 quốc gia, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho vay khoảng 21,9 tỷ USD.

WB dự báo kinh tế khu vực châu Phi cận Sahara sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2021 sau khi các quốc gia trong khu vực tiến hành nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trước đó, bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

IMF cho biết, tính tới nay, các nước châu Phi có hơn một triệu ca nhiễm COVID-19 với 23.000 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục