Trường Đại học Hồng Đức đã chế tạo thành công máy bơm nước thủy năng (Multi hydraulic pump - MHP) để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân miền núi.
Hiện có khoảng 100 hộ dân sống tại huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đang sử dụng thử nghiệm máy bơm nước này để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm cho các nguồn nước tự nhiên cạn kiệt, dẫn đến nhiều công trình nước tự chảy không thể hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả gây lãng phí lớn.
Diện tích đất trồng trọt tại các khu vực miền núi Thanh Hóa thường nhỏ, các thửa ruộng có độ dốc, ruộng lại hình bậc thang. Do vậy, việc đầu tư các công trình thủy lợi thường tốn kém. Hơn nữa, nhiều nguồn nước tự chảy, vùng tưới quá nhỏ để đầu tư, xây dựng một công trình hồ đập với chi phí lớn. Các nguồn nước như sông, suối thường nằm cách xa với ruộng, nương canh tác.
Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Hồng Đức đã thực hiện đề tài khoa học "Nghiên cứu sản xuất bơm thủy năng" để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các huyện miền núi gặp khó khăn về nguồn nước.
Máy bơm thủy năng MHP được thiết kế đơn giản, dựa trên độ dốc của sông suối để tạo ra hoạt động đột ngột, áp lực cao. Máy sử dụng hoàn toàn bằng sức nước, vận hành suốt ngày đêm nhằm đẩy nước lên cao, công suất máy từ 12,5-0,7m3/giờ; chiều cao cột nước cấp từ 0,2-1,5m, chiều cao cột nước đẩy lên tới 60m, máy có thể đẩy xa đến hàng 1.000m.
Loại máy bơm này được thiết kế nhỏ gọn, nặng 25-30kg, rất dễ di chuyển, lại không phải sử dụng năng lượng điện hay xăng dầu khi vận hành, phần lớn các linh kiện là những vật liệu chống rỉ nên tuổi thọ có thể lên đến 30 năm.
Máy có độ bền cao, giá thành rẻ, phù hợp với nhiều địa hình, dễ lắp đặt, có thể ghép nhiều bơm khi có yêu cầu về công suất nên thích hợp với điều kiện khó khăn của các vùng núi.
Nếu đem so với tất cả các loại bơm thủy năng hiện nay, kể cả guồng nước truyền thống, máy bơm này có giá thành rẻ hơn rất nhiều. Đây là loại máy có thể dùng vào xây dựng các mô hình cung cấp nước khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt do hạn hán cho một số cánh đồng trồng hoa, màu, đất trồng lúa, đất trồng cây công nghiệp, đất trồng cây ăn quả và nước sinh hoạt cho một các vùng miền núi của Việt Nam.
Ông Lê Bá Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, Trường Đại học Hồng Đức, chủ nhiệm đề tài cho biết thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã thiết kế chi tiết về tổng thể máy bơm MHP; xây dựng 10 mô hình cấp nước tưới cho lúa và hoa màu, 5 mô hình cấp nước phục vụ chăn nuôi; 5 mô hình cấp nước sinh hoạt khu vực miền núi huyện Lang Chánh để giúp nhân dân có được nguồn nước phục vụ sản xuất.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn máy bơm nước, để nhân rộng ra các khu vực miền núi khác để làm giảm tình trạng thiếu nước, giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế nông nghiệp./.