Chỉ 8% lực lượng lao động của Thái Lan có chuyên môn

Một khảo sát gần đây cho thấy chỉ 8% lực lượng lao động Thái Lan được xem là có chuyên môn, so với Singapore là 35% và Malaysia là 20%.
Chỉ 8% lực lượng lao động của Thái Lan có chuyên môn ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), một không gian hợp tác kinh tế và thúc đẩy tự do lưu chuyển lao động giữa 10 nước thành viên.

Vì thế cùng với khả năng tài chính và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố hết sức quan trọng trong năng lực cạnh tranh của các nước thành viên.

Trình độ chuyên môn và các kỹ năng khác như tiếng Anh sẽ là các tiêu chí đánh giá cần chú ý của chất lượng nguồn nhân lực trong thị trường thống nhất mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, việc có một lực lượng lao động giàu tính cạnh tranh sẵn sàng cho AEC là mối quan tâm lớn hiện nay của Chính phủ Thái Lan.

Ngày 23/12, phát biểu trong sự kiện công bố thành tựu sau một năm cầm quyền, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhấn mạnh quốc gia này phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho học sinh và sinh viên, lực lượng lao động của đất nước trong tương lai, đặc biệt khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được thành lập.

Một khảo sát gần đây cho thấy chỉ 8% lực lượng lao động Thái Lan được xem là có chuyên môn, so với Singapore là 35% và Malaysia là 20%, trong khi phần lớn lực lượng lao động (67%) lại chỉ có trình độ giáo dục tương cấp trung học cơ sở. Một nghịch lý là số người có bằng cấp đào tạo lại đông nhất trong đội quân thất nghiệp ở Thái Lan.

Điều này cho thấy chất lượng lao động có đào tạo ở Thái Lan thực sự đáng lo ngại vì thiếu những kỹ năng có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Theo một báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục Thái Lan, nền giáo dục nước này hiện xếp thứ 46 trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới (đứng thứ 8/10 trong khối ASEAN).

Báo cáo chỉ ra nguyên nhân yếu kém là do chất lượng giáo viên và hệ thống giáo dục không khuyến khích học sinh phát huy khả năng phân tích thông tin cũng như rèn luyện kỹ năng mềm.

Tiếng Anh, ngôn ngữ đã được các quốc gia trong khu vực thống nhất sử dụng làm ngôn ngữ chung trong kinh doanh, cũng là một vấn đề không nhỏ với người lao động Thái Lan.

Theo báo cáo mới đây của công ty Navigos Search, mặc dù lao động Thái Lan được đánh giá là có thái độ làm việc chuyên nghiệp, chăm chỉ, có kỷ luật, nhưng lại gặp trở ngại lớn với kỹ năng tiếng Anh.

Tại Thái Lan, có 52% công ty cho biết khó tìm nhân sự đáp ứng được nhu cầu mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.

Thái Lan đứng thứ 55 trong số 60 quốc gia trong English Proficiency Index - bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh của thế giới, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Có một nghịch lý khác là học sinh Thái Lan phải "vật lộn" với tiếng Anh mặc dù đây là môn học bắt buộc từ tiểu học đến trung học và 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan đến từ ngành du lịch.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, chị Jutamat Samnakbankok, sinh viên Đại học Srinakhanrinwirot, nhận xét: "Tôi cho rằng tiếng Anh có vai trò quan trọng trong không gian kinh tế AEC. Tuy nhiên tôi thấy rằng nhiều người ở Thái Lan, đặc biệt là sinh viên Thái Lan không thể nói tiếng Anh tốt."

Anh Noppawat Traichaiphnam, một kỹ sư xây dựng, cũng cho biết: "Tôi không nghĩ là tiếng Anh được học là đủ để có thể làm việc trong môi trường AEC. Hiện tôi đang cố học tiếng Anh để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn tại các công ty quốc tế."

Trong khi đó, anh Nitinon Chintawutipong, một nhân viên kinh doanh lại quả quyết: "Tôi nghĩ rằng trình độ tiếng Anh của người lao động Thái Lan chưa đủ để đáp ứng yêu cầu trong AEC."

Hiện, Thái Lan đã bắt đầu nỗ lực giải quyết các vấn đề khó khăn trong giáo dục đào tạo như đánh giá chất lượng giáo dục thông qua kết quả của học sinh, trang bị cho sinh viên kỹ năng phân tích đánh giá, kỹ năng ngoại ngữ và tin học, đồng thời khuyến khích thanh thiếu niên lựa chọn cả giáo dục dạy nghề.

Tuy nhiên, nước này vẫn chưa giải quyết được các vấn đề khó khăn cơ bản trong giáo dục như chương trình giáo dục phù hợp, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên, học phí cao mà kết quả đạt được lại không tương xứng.

Đáng chú ý, hiện vẫn có tới gần 2 triệu trẻ em Thái Lan ở độ tuổi đến trường chưa biết đọc và viết, tỷ lệ bỏ học trong các cấp học phổ thông cũng rất cao. Đây là vấn đề đã tồn tại dai dẳng gần hai thập kỷ qua và là gốc rễ sâu xa của vấn đề chất lượng lao động mà Thái Lan đang đối mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục