Chỉ số niềm tin tiêu dùng Thái Lan xuống mức thấp nhất 21 năm qua

Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm do người dân vẫn lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu kém, thất nghiệp và thu nhập co hẹp do tác động của đại dịch COVID-19.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng Thái Lan xuống mức thấp nhất 21 năm qua ảnh 1Thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa lây lan của dịch COVID-19 tại một cửa hàng điện thoại di động ở Bangkok vừa mở cửa trở lại ngày 5/5. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của Thái Lan trong tháng 4/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 21 năm qua, do người dân vẫn lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu kém, thất nghiệp và thu nhập co hẹp do tác động của đại dịch COVID-19.

Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) ngày 8/5 cho biết CCI đã giảm xuống 47,2 trong tháng Tư, so với mức 50,3 trong tháng 3/2020. Đây là lần giảm thứ 14 liên tiếp của CCI của quốc gia Đông Nam Á này và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/1999.

Truyền thông sở tại dẫn lời Chủ tịch UTCC Thanavath Phonvichai nhận định rằng, những điều kiện kinh tế đang ở mức nguy kịch và chi tiêu tiêu dùng không thể hồi phục trong ít nhất 3-6 tháng cho đến khi đại dịch COVID-19 nằm trong tầm kiểm soát, tất cả các khu vực kinh doanh được phép mở cửa trở lại và các biện pháp kích thích của Chính phủ mang lại những kết quả cụ thể cho nền kinh tế.

Ông Thanavath cho rằng niềm tin thấp bắt nguồn từ mong đợi của người tiêu dùng rằng nền kinh tế sẽ giảm xuống mức suy thoái với sức mua nội địa, du lịch, xuất khẩu và tuyển dụng suy yếu. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp vẫn bị kìm hãm bởi hạn hán và giá nông sản tương đối thấp.

UTCC ước tính đại dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại tới 1.500 tỷ baht trong nửa đầu của năm nay (gần 47 tỷ USD), trong đó 700 tỷ baht thất thu từ doanh thu dịch, 300 tỷ baht do tiêu dùng tư nhân yếu hơn và phần còn lại do giảm xuất khẩu và thương mại xuyên biên giới.

Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch cho bốn giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng hai tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện số lượng ca mắc COVID-19 mới được kiểm soát.

Thái Lan bắt đầu giai đoạn một của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5/2020. Giai đoạn hai của tiến trình này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc COVID-19 mới không tăng.

Theo ông Thanavath, việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với một số lĩnh vực kinh doanh nhất định dự kiến sẽ mang lại thêm 3 tỷ baht chi tiêu mỗi ngày. Nếu Chính phủ tiếp tục nới lỏng thêm các hạn chế từ ngày 17/5 thì chi tiêu tiêu dùng của nước này dự kiến sẽ tăng 6-8 tỷ baht mỗi ngày.

[Thái Lan chuẩn bị các kế hoạch kích cầu du lịch nội địa]

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thái Lan trong tháng Tư đã giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi dấu mức giảm lớn nhất trong gần 11 năm qua. Đây là tháng thứ hai liên tiếp CPI của Thái Lan sụt giảm sau khi ghi nhận mức giảm 0,54% trong tháng 3/2020. So với tháng Ba, CPI tháng Tư của Thái Lan đã giảm hơn 2%. Tính trung bình, trong bốn tháng đầu năm 2020, CPI của Thái Lan giảm 0,44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan dự báo giá tiêu dùng của nước này có thể giảm gần 3% trong quý 2 do các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, giám dầu thế giới sụt giảm mạnh và nhu cầu nội địa tương đối thấp.

TPSO cho biết lạm phát toàn phần tại Thái Lan trong bốn tháng đầu năm 2020 là -0,44% và lạm phát cơ bản là 0,50%. TPSO có thể điều chỉnh dự báo lạm phát sau nửa đầu năm, khi tác động của các biện pháp phong tỏa trở nên rõ ràng hơn.

Cũng trong ngày 8/5, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ lạc quan rằng nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này sẽ cải thiện khi các ngành kinh doanh mở cửa trở lại và tuyển dụng lao động, trong khi du lịch được nối lại cùng với các biện pháp mang lại niềm tin cho du khách về sự an toàn sức khỏe.

Tính đến ngày 8/5, Thái Lan có tổng cộng 3.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại 68 trên 77 tỉnh thành, trong đó có 55 trường hợp tử vong.

Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, với 1.699 bệnh nhân, tiếp theo là khu vực miền Nam với 716 bệnh nhân, đồng bằng miền Trung với 380 bệnh nhân, vùng Đông Bắc với 111 bệnh nhân và miền Bắc với 94 bệnh nhân. Thái Lan đã chữa khỏi cho 2.784 bệnh nhân COVID-19, chiếm tỷ lệ 92,8%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục