Chỉ số PMI tháng 11 thấp do nhu cầu nước ngoài giảm

Chỉ số PMI tháng 11 trong lĩnh vực sản xuất chậm lại cho thấy nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa tại Việt Nam giảm nhẹ.
Chỉ số PMI tháng 11 thấp do nhu cầu nước ngoài giảm ảnh 1Sản xuất tại Công ty cổ phần Prime Phong Điền. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Ngày 3/12, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã công bố kết quả chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng Mười Một đạt 50,3 điểm. Kết quả này thấp hơn mức 51,5 điểm của tháng Mười nhưng vẫn nằm trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm tháng thứ ba liên tiếp.

Kết quả khảo sát tháng Mười Một cho thấy số đơn hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong 3 tháng, nhưng ở mức giảm nhẹ so với tháng trước. Điều này đồng nghĩa cầu đang yếu và bão lũ được xem là một nguyên nhân chính.

Các đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm sụt trong tháng Mười Một cho thấy nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam giảm nhẹ.

Tuy nhiên, sản lượng ngành sản xuất lại tăng tháng thứ hai liên tiếp và đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 9/2011. Các công ty khảo sát cho biết sản lượng tăng nhờ vào các đơn hàng mới trong tháng Chín và Mười vừa qua. Các đơn hàng tồn động đã được giải quyết hết trong tháng Tám.

Với nhu cầu sản xuất tiếp tục tăng trong tháng Mười Một, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục tăng số lượng nhân công. Việc làm tăng trong tháng Mười Một đã giúp kéo dài thời kỳ tăng việc làm hiện nay thành bốn tháng, mặc dù mức thực tăng tháng này vẫn khá khiêm tốn.

Tháng Mười Một đánh dấu là tháng thứ 3 liên tiếp, các nhà sản xuất tiếp tục gia tăng mua đầu vào. Tăng trưởng mua đầu vào là ổn định nhờ sự tăng trưởng của sản lượng sản xuất ra.

Chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong tháng Mười Một phản ánh vấn đề khan hiếm các nguyên liệu thô. Dù vậy, mức tăng giá chi phí đầu vào ở mức thấp nhất kể từ hồi tháng Bảy.

Về giá cả đầu ra, tháng Mười Một là tháng thứ hai liên tiếp giá cả đầu ra tăng lên, bởi các nhà sản xuất tìm cách bảo vệ biên lợi nhuận của mình thông qua việc tăng giá bán.

Bà Trịnh Nguyễn, chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC cho biết: “Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chậm lại phản ánh nhu cầu yếu ở nước ngoài. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu ở nước ngoài sẽ tăng trở lại sau khi suy giảm trong tháng Mười Một, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể vẫn ở mức khiêm tốn vì nhu cầu trong nước còn yếu kém. Với áp lực lên giá cả đã dịu bớt nhờ giá hàng hóa giảm đi, các nhà sản xuất có thể cảm thấy đỡ khó khăn hơn.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục