Chỉ số S&P 500 ghi nhận tuần tăng cao nhất kể từ tháng 10 năm 1974

Tính chung trên cả tuần, chỉ số S&P 500 đã tăng tới 12,1% - đánh dấu tuần tăng cao nhất kể từ mức 14,12% ghi nhận vào ngày 11/10/1974.
Chỉ số S&P 500 ghi nhận tuần tăng cao nhất kể từ tháng 10 năm 1974 ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuần giao dịch này kết thúc trong phiên 9/4 khi các thị trường chứng khoán thế giới đều đóng cửa nghỉ lễ Thứ Sáu Tốt lành (Good Friday).

Nhìn chung, chứng khoán Phố Wall đã có một tuần tăng điểm khá ấn tượng, đặc biệt là chỉ số S&P 500 đã có tuần tăng cao nhất kể từ năm 1974 tới nay.

Mở đầu tuần mới trong phiên 6/4, các chỉ số chính trên Phố Wall đều tăng hơn 7% nhờ số trường hợp nhiễm mới và số ca tử vong giảm ở một số nước là điểm nóng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Theo nhà phân tích Peter Cardillo tại Spartan Capital Securities, các thị trường lên điểm nhờ hy vọng thế giới có thể sớm đạt đến đỉnh dịch COVID-19.

Nhưng sau một phiên giao dịch đầu tuần đầy khởi sắc, thị trường Phố Wall đã đảo chiều đi xuống vào phiên 7/4 khi một loạt các số liệu mới nhất của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã làm các nhà đầu tư nhận ra rằng nền kinh tế sẽ chỉ có thể trở lại bình thường khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tuy đi xuống nhưng các chỉ số đều ghi nhận mức giảm khá nhẹ, với chỉ số Dow Jones giảm 0,1%, chỉ số S&P 500 để mất 0,2% còn chỉ số công nghệ Nasdaq đóng phiên với mức giảm 0,3%.

Sang phiên ngày 8/4, sắc xanh trở lại với Phố Wall nhờ hy vọng vào những dấu hiệu cho thấy sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-9 tại Mỹ đang gần tới đỉnh điểm. Kết thúc phiên này, các chỉ số chính đều tăng hơn 3%, bù đắp được mức giảm trong phiên trước.

[Tổng thống Trump công bố kế hoạch "mở cửa trở lại" nền kinh tế Mỹ]

Trong phiên cuối cùng của tuần giao dịch vào ngày 9/4, các nhà đầu tư tại Phố Wall đã "rũ bỏ" tâm lý lo ngại về báo cáo việc làm kém khả quan cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ cán mốc 6,6 triệu người.

Điều này là nhờ việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cùng ngày dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến một đà hồi phục mạnh mẽ một khi dịch COVID-19 được không chế, đồng thời công bố chương trình cho vay mới trị giá 2.300 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tính chung trên cả tuần, chỉ số S&P 500 đã tăng tới 12,1% - đánh dấu tuần tăng cao nhất kể từ mức 14,12% ghi nhận vào ngày 11/10/1974.

Chỉ số Dow Jones cũng tăng 12,67% - mức tăng tốt nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/3. Tuy ghi nhận mức tăng thấp hơn 2 chỉ số trên, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tiến thêm 10.59% trong tuần này.

Bất chấp những tin tức bất lợi về tình trạng thất nghiệp, ông JJ Kinahan, chiến lược gia thị trường trưởng tại TD Ameritrade, nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 và lúc đó người dân Mỹ sẽ sớm trở lại làm việc bình thường.

Ông cho rằng giới đầu tư vẫn cảm thấy lạc quan từ những biện pháp của Fed và nhận định của Chủ tịch Jerome Powell về việc nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ một khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Song chuyên gia này vẫn tỏ ra thận trọng và nói rằng giai đoạn sắp tới vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán định cho thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục