Trong hai ngày 25 và 26/6, hội thảo "Hiệu quả tài nguyên tại các thành phố châu Á: Mối quan hệ đô thị Đà Nẵng, Việt Nam" đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Quản lý tổng hợp tài nguyên tại các thành phố châu Á: Đô thị Nexus" do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của Tổ chức GIZ-Nexus.
Dự án này hỗ trợ 10 thành phố tại 6 quốc gia là Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2015.
Hội thảo tập trung xem xét tiến độ thực hiện các sáng kiến từ dự án Nexus tại các nước tham gia và chia sẻ các kinh nghiệm, ý tưởng; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cấp trong việc thúc đẩy các sáng kiến đô thị Nexus phát triển mạnh.
Các đại biểu thảo luận về việc quản lý nhà nước đối với mối quan hệ đô thị, đặc biệt là thể chế cần thiết cho việc thực hiện có hiệu quả các phương pháp tiếp cận Nexus một cách rộng rãi.
Là một trong những thành phố tham gia vào dự án, trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã được các chuyên gia GIZ-Nexus hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý đối với vấn đề quản lý nước thải và quản lý nông nghiệp đô thị thông qua dự án "Thu gom nước thải bằng công nghệ chân không, xử lý nước thải (sản xuất khí sinh học biogas) và sử dụng sản phẩm phụ (nước tưới tiêu và phân bón từ các nhà máy sản xuất khí sinh học) cho nông nghiệp đô thị."
Tại hội thảo lần này, đại diện thành phố Đà Nẵng mong muốn cùng các đại diện châu Á và chuyên gia GIZ-Nexus tiếp tục chia sẻ những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý để cùng nhau phát huy hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên, hướng đến một châu Á phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí nhận định tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm gia tăng nguy cơ khoảng cách các nguồn cung cấp, đặc biệt là nguồn cung cấp nước và các hệ thống vệ sinh môi trường, nguồn cung cấp năng lượng, sử dụng đất và an ninh lương thực.
Tuy nhiên, phần lớn các thành phố và chính quyền địa phương tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục lập kế hoạch và quản lý theo ngành và trong ranh giới phạm vi thành phố, hiếm khi có sự phối hợp và tổng hợp. Do vậy, các thành phố không thể tối đa hóa sự tương tác và phối hợp giữa các lĩnh vực nước, năng lượng và an ninh lương thực./.