Chiến lược mới của EU với khu vực Schengen sau các cuộc khủng hoảng

Chiến lược mới của EU về cải cách khu vực Schengen - khu vực đi lại tự do lớn nhất trên thế giới. nhằm mục đích xây dựng lại lòng tin giữa các quốc gia và dỡ bỏ dần các hạn chế về biên giới.
Chiến lược mới của EU với khu vực Schengen sau các cuộc khủng hoảng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo chuyên gia Jolanta Szymańska, điều phối viên Chương trình Liên minh châu Âu tại Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan mới đây, sau những cú sốc do cuộc khủng hoảng di cư và đại dịch COVID-19 gây ra, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu tiến hành các bước nhằm cải cách khu vực Schengen - khu vực đi lại tự do lớn nhất trên thế giới.

Chiến lược mới nhằm mục đích xây dựng lại lòng tin giữa các quốc gia và dỡ bỏ dần các hạn chế về biên giới. Tuy nhiên, quá trình này sẽ bị cản trở bởi các mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, cũng như sự bế tắc trong cuộc thảo luận về cải cách chính sách di cư, đặc biệt là hệ thống tị nạn.

Lý do cho một chiến lược mới

Sự bất ổn trong khu vực lân cận của EU, cuộc khủng hoảng về người di cư và đặc biệt là đại dịch COVID-19, đã dẫn đến việc áp dụng lại rộng rãi các biện pháp kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen.

Nhiều quốc gia đang duy trì việc kiểm tra các biên giới dài hơn thời gian cho phép theo các quy tắc thông thường của Schengen. Điều này đã trở thành một thách thức không chỉ đối với tính toàn vẹn của khu vực Schengen mà còn đối với thị trường chung châu Âu.

Chuyên gia Jolanta Szymańska nhận định, cả trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng người di cư và COVID-19, các biện pháp kiểm soát đều được đưa ra đơn phương.

Điều này gây căng thẳng giữa các quốc gia cùng với những cáo buộc lẫn nhau về sự thiếu đoàn kết. Dựa trên các khuyến nghị của EC, giao thông vận tải ở EU không bị chặn, nhưng quyền tự do đi lại trong khu vực vẫn còn bị hạn chế.

[Kinh tế châu Âu phục hồi nhanh hơn dự báo nhờ việc mở cửa trở lại]

Theo EC, việc vận hành đúng chức năng của Schengen đòi hỏi phải quản lý hiệu quả các biên giới bên ngoài của EU. Là một phần của những hoạt động nhằm tăng cường bảo vệ các biên giới bên ngoài, EC có kế hoạch tiến hành cải tổ lực lượng Bảo vệ Biên giới và Bờ biển châu Âu (Frontex), cho phép lực lượng này hoạt động như một quân đoàn thường trực với đầy đủ chức năng từ năm 2027.

EC cũng muốn đẩy nhanh việc thành lập một hệ thống bảo vệ biên giới công nghệ tiên tiến. Trọng tâm ở đây là đảm bảo khả năng tương tác của các hệ thống thông tin (ví dụ: Hệ thống Nhập cảnh/Xuất cảnh, Hệ thống Thông tin Schengen, Hệ thống Thông tin Thị thực và Hệ thống Cấp phép và Thông tin Du lịch Châu Âu, ETIAS) vào năm 2023, cũng như số hóa các thủ tục ở biên giới bên ngoài (ví dụ: thủ tục cấp thị thực).

Một đề xuất khác của EC là tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng để chống buôn người nhập cư và hoàn thành cải cách hệ thống tị nạn.

Để xây dựng lại lòng tin trong khu vực, EC đã trình bày một đề xuất cải cách cơ chế giám sát và đánh giá Schengen. Theo đề xuất, các chuyên gia EC và các quốc gia thành viên sẽ có các cuộc kiểm tra thường xuyên hơn (7 năm một lần), những người sẽ đánh giá việc thực hiện các quy định trong Schengen ở các nước thuộc khu vực. Số lượng các chuyến thăm không báo trước và đánh giá chuyên đề cũng dự kiến sẽ tăng lên.

Đề xuất này cũng bao gồm một thủ tục theo dõi nhanh chóng nhằm cho phép khắc phục mọi thiếu sót được phát hiện ngay lập tức. Đề phòng các cuộc khủng hoảng trong tương lai, EC sẽ chuẩn bị một kế hoạch dự phòng cho phép kích hoạt các giải pháp đã được áp dụng thành công, chẳng hạn như hệ thống “Làn đường xanh.”

Đây là Hướng dẫn các biện pháp quản lý biên giới để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo cung cấp hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu.

Chiến lược được EC công bố cũng hướng đến mục tiêu tăng cường các biện pháp phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát, quản lý di cư và an ninh. Các đề xuất bao gồm việc thành lập Bộ luật hợp tác về cảnh sát của EU, trao đổi thông tin DNA và dấu vân tay, và mở rộng việc sử dụng Thông tin hành khách (API) cho các chuyến bay trong khối Schengen.

Theo EC, việc mở rộng khu vực Schengen là một yếu tố để xây dựng lại lòng tin và tăng cường an ninh cho khu vực này. Do đó, EC kêu gọi Hội đồng châu Âu bãi bỏ việc cấm quá trình mở rộng Schengen đối với Bulgaria, Romania và Croatia, những quốc gia đáp ứng các yêu cầu về tư cách thành viên, cũng như đối với Cyprus sau khi hoàn thành đánh giá bắt buộc.

Thách thức tiềm tàng

Thách thức chính đối với chiến lược mới và mục tiêu đưa khu vực Schengen trở lại hoạt động bình thường là mối đe dọa sức khỏe kéo dài liên quan đến đại dịch COVID-19.

Mặc dù có những tiến bộ đáng kể về tốc độ tiêm chủng ở EU (hơn 60% người trưởng thành ở châu Âu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine), sự quan tâm đến tiêm chủng đang giảm đi ở một số quốc gia thành viên. Trên toàn cầu, quá trình tiêm chủng không đạt được tiến bộ nhanh. Sự xuất hiện của các biến thể virus mới là một mối đe dọa tiềm ẩn khác.

Trong khi chiến lược giao vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo an ninh biên giới bên ngoài của khu vực Schengen cho Frontex, các cáo buộc về quản lý yếu kém và vi phạm nhân quyền ở biên giới ngày càng gia tăng. Frontex đã trở thành chủ đề của các cuộc điều tra, trong đó có cả Văn phòng Chống gian lận châu Âu (OLAF) và Cơ quan Thanh tra châu Âu.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6/2021, Tòa Kiểm toán Châu Âu đã đặt câu hỏi về khả năng của cơ quan này trong việc hoàn thành các nhiệm vụ mới được giao phó.

Một thách thức khác là tiến độ chậm chạp liên quan đến cải cách chính sách di cư. Kể từ khi công bố gói cải cách di cư mới vào tháng Chín năm ngoái, khu vực vẫn bị chia rẽ về hệ thống tị nạn.

Nỗ lực cải cách Luật biên giới Schengen quy định việc quản lý biên giới nội bộ, được thực hiện vào năm 2017, đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Cuộc khủng hoảng niềm tin cũng làm sâu sắc thêm sự miễn cưỡng của các nước thành viên Schengen đối với việc mở rộng hơn nữa khu vực này.

Bà Jolanta Szymańska cho rằng các cuộc khủng hoảng gần đây đã khiến nhiều người nhận thức được nguy cơ tan rã Schengen và mặc dù các đề xuất của EC đã đi đúng hướng, nhưng việc phá vỡ bế tắc về những vấn đề như cải cách hệ thống tị nạn hoặc mở rộng khu vực sẽ còn khó khăn.

Hơn nữa, sự chênh lệch ngày càng lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa người dân của từng nước thành viên có thể khiến các nước khôi phục biện pháp kiểm soát biên giới, làm trầm trọng thêm xung đột giữa các thành viên.

Do mối đe dọa dai dẳng đối với sức khỏe cộng đồng và sự chia rẽ trong cách tiếp cận của các nước trong nhiều chính sách, giai đoạn đầu tiên của cải cách Schengen cần tập trung vào các vấn đề ít gây tranh cãi hơn, chẳng hạn như cải thiện hệ thống đánh giá, đồng thời điều phối quá trình đưa ra các hạn chế để chúng không trở thành gánh nặng đối với công dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục