Chính phủ đoàn kết Palestine sẽ họp lần đầu tiên tại Gaza

Thủ tướng Rami Hamdallah và tất cả các bộ trưởng trong nội các, từ khu Bờ Tây và Dải Gaza, sẽ tổ chức một cuộc họp ở Thành phố Gaza.
Chính phủ đoàn kết Palestine sẽ họp lần đầu tiên tại Gaza ảnh 1Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (giữa) chủ trì phiên họp nội các đầu tiên của Chính phủ mới tại Ramallah ngày 2/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ đoàn kết Palestine dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Rami Hamdallah sẽ tiến hành cuộc họp toàn thể đầu tiên ở Dải Gaza vào ngày 9/10.

Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử ngày 6/10, Bộ trưởng Lao động Palestine Ma'mon Abu Shahla cho biết Thủ tướng Hamdallah và tất cả các bộ trưởng trong nội các, từ khu Bờ Tây và Dải Gaza, sẽ tổ chức một cuộc họp ở Thành phố Gaza lần đầu tiên kể từ khi chính phủ nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Israel có cho phép các bộ trưởng từ Bờ Tây qua cửa khẩu Erez vào Gaza tham dự cuộc họp hay không.

Theo ông Abu Shahla, cho dù có họp tại Gaza hay không, nội các Palestine cũng sẽ thảo luận về hậu quả của cuộc chiến do Israel tiến hành ở Gaza vừa qua cũng như cơ chế tiến hành tái thiết vùng lãnh thổ này và hỗ trợ người dân.

Kể từ khi phong trào Hamas ở Gaza và phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đạt được thỏa thuận hòa giải lịch sử hồi tháng 4 và nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vào tháng 6, Israel đã phản đối các bên thực thi thoả thuận này. Trong suốt 4 tháng qua, Israel đã ngăn cản các thành viên nội các Palestine từ Bờ Tây tới Gaza cũng như từ Gaza tới Bờ Tây, các cuộc họp hàng tuần của chính phủ đoàn kết Palestine phải tiến hành theo hình thức trực tuyến.

Cũng trong ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Israel đã triệu đại sứ Thụy Điển tại nước này tới để phản đối Stockholm dự định công nhận Nhà nước Palestine.

Theo bộ trên, Đại sứ Thụy Điển Carl Magnus Nesser được triệu theo yêu cầu của Tổng Vụ phó các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Israel Aviv Shir-On. Quan chức ngoại giao Israel cảnh báo động thái của Thụy Điển "không góp phần việc cải thiện quan hệ giữa Israel và Palestine, thậm chí khiến quan hệ này xấu đi."

Hiện Đại sứ quán Thụy Điển tại Israel chưa đưa ra bình luận nào về diễn biến trên.

Trước đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven ngày 3/10 đã công bố ý định công nhận Nhà nước Palestine độc lập, cho rằng đây sẽ là bước đi quan trọng hướng tới giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman đã lên tiếng phản đối, cho rằng tuyên bố của Stockholm là "phản tác dụng" và không có lợi cho một thỏa thuận hòa bình với Palestine. Trong khi đó, tại Ramallah, Tổng thống Palestine Abbas đã hoan nghênh dự định của Chính phủ Thụy Điển, đồng thời bày tỏ mong muốn các nước khác cũng sẽ có các tuyên bố tương tự.

Tại một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2012, Thụy Điển cũng đã bỏ phiếu ủng hộ công nhận quy chế nhà nước quan sát viên cho Pelestine tại Liên hợp quốc, bất chấp sự phản đối của Mỹ và Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục