Chính phủ Đức hoan nghênh việc ký kết RCEP hỗ trợ tự do thương mại

Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier nêu rõ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết sẽ góp phần quan trọng vào một nền thương mại thế giới tự do và dựa trên luật lệ.
Chính phủ Đức hoan nghênh việc ký kết RCEP hỗ trợ tự do thương mại ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier. (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier ngày 16/11 đã hoan nghênh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết giữa 15 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại Berlin, Bộ trưởng Altmaier nêu rõ hiệp định được ký kết sẽ góp phần quan trọng vào một nền thương mại thế giới tự do và dựa trên luật lệ.

Ông cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã có các hiệp định thương mại tự do riêng rẽ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam - những quốc gia là thành viên của RCEP, đồng thời đang nỗ lực hoàn tất một hiệp định về đầu tư với Trung Quốc.

Với việc ký kết RCEP, các quốc gia thành viên vốn chiếm 1/3 sản lượng kinh tế của thế giới có thể giảm thuế quan và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường dịch vụ của nhau.

[Đức đánh giá RCEP là hồi chuông 'cảnh tỉnh' với châu Âu]

Đối với châu Âu, Bộ trưởng Altmaier bày tỏ hy vọng hàng rào thuế quan giữa Mỹ và EU cũng sẽ được dỡ bỏ một khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức.

Ông Altmaier nêu rõ: "Tôi thực sự hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ hỗ trợ đạt được sự đồng thuận về quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU. Theo đó, chúng ta có thể loại bỏ rất nhiều biện pháp liên quan tới thuế quan và thương mại hình thành từ chủ nghĩa bảo hộ."

Ông cũng cho biết điều đó cũng sẽ được áp dụng với các đối tác thương mại của châu Âu ở Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á.

Chính phủ Đức hoan nghênh việc ký kết RCEP hỗ trợ tự do thương mại ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội ngoại thương Đức (BGA) Anton Börner ngày 16/11 nhận định với việc nhận định RCEP được ký kết, trong tương lai khi việc tiếp cận thị trường được cải thiện giữa các công ty Trung Quốc và 14 quốc gia thành viên còn lại của hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, cơ hội xuất khẩu hàng hóa của các công ty Đức có thể bị giảm sút.

Theo ông, đây là bước thụt lùi với mục tiêu EU đã tuyên bố về đa dạng hóa quan hệ thương mại khi các thỏa thuận thương mại lớn của châu Âu vẫn "giậm chân" tại chỗ, trong đó thỏa thuận với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) có nguy cơ đổ vỡ, trong khi Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện giữa EU với Canada (CETA) vẫn chưa được Quốc hội Đức phê chuẩn.

Phòng Thương mại quốc tế của Đức (ICC Germany) cùng ngày cũng lên tiếng kêu gọi châu Âu cần có tầm nhìn tương lai và nhanh chóng thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do.

Chuyên gia ngành công nghiệp ôtô của Đức Ferdinand Dudenhöffer cảnh báo việc châu Âu đứng ngoài RCEP sẽ là điều bất lợi đối với ngành ôtô Đức, bởi các thị trường RCEP hiện chiếm tới gần 43% thị phần thế giới về lượng xe tiêu thụ mới và trong 20 năm nữa sẽ tăng lên 50%.

Tuy nhiên, với RCEP, các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc như Toyota, Honda, Nissan, Hyundai, Kia... có thể dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc, trong khi các hãng xe và nhà cung cấp của Đức chỉ có thể tham gia nếu đẩy mạnh xây dựng công xưởng ở châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục