Ngày 27/10, Chính phủ mới của Indonesia đã chính thức ra mắt với lễ tuyên thệ nhậm chức của 34 bộ trưởng trước Tổng thống Joko Widodo tại dinh Độc lập ở trung tâm thủ đô Jakarta.
Với nguyên tắc thành lập một chính phủ trong sạch, có năng lực, đáp ứng đường lối chiến lược đưa quốc đào Indonesia vươn lên trở thành một cường quốc biển, có vai trò trong khu vực và trên các diến đàn quốc tế, Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành những cải tổ về mặt cơ cấu cũng như thành phần nội các so với chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống vừa mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono.
Chính phủ mới của Indonesia vẫn giữ nguyên tổng số 34 bộ trưởng, song nâng số bộ trưởng điều phối từ 3 lên 4 với việc thành lập thêm Bộ Hàng hải; tuổi bình quân của nội các trẻ hơn, ở mức trung bình dưới 60 tuổi, trong đó có 20 bộ trưởng dưới 45 tuổi, 3 bộ trưởng từ 46-55 tuổi và 11 bộ trưởng trên 56 tuổi.
Số bộ trưởng nữ tăng từ 3 lên 8 người, trong đó có bà Retno Lestari Priansari Marsudi, nguyên Đại sứ Indonesia tại Hà Lan giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao đồng thời là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trong lịch sử đất nước, và bà Puan Maharani, con gái cựu Tổng thống Soekarnoputri Megawati giữ chức Bộ trưởng Điều phối (tương đương Phó Thủ tướng) Bộ Văn hóa và Phát triển con người.
Số bộ trưởng là các nhà chuyên môn tăng từ 19 lên 20 người, và 14 ghế còn lại đuợc phân bổ cho 5 đảng trong liên minh cầm quyền, bao gồm đảng Dân chủ Indonesia-Đấu tranh (PDI-P) 4 ghế, đảng Công lý Thịnh vượng (PKB) 3 ghế, đảng Dân chủ Tự do (Nasdem) 3 ghế, đảng Lương tri Nhândân (Hanura) 2 ghế và đảng Phát triển Thống nhất (PPP) 1 ghế.
Trong nội các mới chỉ có hai người là thành viên của nội các tiền nhiệm là ông Lukman Hakim Saifuddin (Chủ tịch đảng PPP) vẫn giữ chức Bộ trưởng Tôn giáo, và Thứ trưởng Tài chính Bambang Broidjonegoro nay giữ chức Bộ trưởng Tài chính.
Đáng chú ý, hai ghế quan trọng được thay đổi vào phút chót so với dự kiến sửa đổi đã được Tổng thống Joko Widodo trao cho Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia (KPK) xác minh là Bộ trưởng Điều phối Bộ Chính trị, Pháp lý và An ninh Tedjo Edhy Purdijatno, cựu Tư lệnh Hải quân giai đoạn 2008-2009, và Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu, cựu Tư lệnh Lục quân giai đoạn 2002-2004.
Phát biểu tại lễ nhậm chức của các bộ trưởng, Tổng thống Joko Widodo đã gọi chính phủ mới là “Chinh phủ làm việc,” và nhấn mạnh rằng nội các mới được lựa chọn trên cơ sở trình độ và năng lực, khả năng quản lý và lãnh đạo, phẩm chất đạo đức và trong sạch.
Phản ứng của dư luận tại Indonesia tuy có khác nhau, song nhìn chung khá tích cực về chính phủ mới và cho rằng nội các mới của Tổng thống Joko Widodo có 100 ngày để chứng tỏ khả năng quản lý điều hành đất nước vượt qua những thách thức khó khăn hết sức to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và phát triển, nhất là trong bối cảnh liên minh 5 đảng cầm quyền do PDI-P đứng đầu là thiểu số trong Quốc hội và tất cả các vị trí lãnh đạo cao nhất trong các cơ quan lập pháp đều do phe đối lập nắm giữ.
Thành phần nội các mới của Indonesia:
1. Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh: Tedjo Edhy Purdijatno, cựu Tư lệnh Hải quân 2008-2009 (đảng Nasdem)
2. Bộ trưởng Điều phối Kinh tế: Sofyan Djalil, cựu Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước
3. Bộ trưởng Điều phối Hàng hải: Indroyono Susilo (một quan chức cấp cao của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO)
4. Bộ trưởng Điều phốiVăn hóa và Phát triển con người: Puan Maharani, lãnh đạo cấp cao PDI-P
5. Bộ trưởng Nội vụ: Tjahjo Kumolo, lãnh đạo cấp cao PDI-P
6. Bộ trưởng Ngoại giao: Retno Lestari Priansari, Đại sứ Indonesai tại Hà Lan
7. Bộ trưởng Quốc phòng: Ryamizard Ryacudu, cựu Tư lệnh Lục quân 2002-2004
8. Bộ trưởng Luật và Nhân quyền: Yasona H. Laoly, lãnh đạo cấp cao PDI-P
9. Bộ trưởng Tài chính: Bambang Brodjonegoro, nguyên Thứ trưởng Tài chính
10. Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản: Sudirman Said, Tổng giám đốc công ty quốc phòng PT Pindad
11. Bộ trưởng Công nghiệp: Saleh Husin, lãnh đạo cấp cao đảng Hanura
12. Bộ trưởng Thương mại: Rahmat Gobel, nhà kinh doanh
13. Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp: Siti Nurbaya, lãnh đạo cấp cao đảng Nasdem
14. Bộ trưởng Nông nghiệp: Amran Sulaiman, Giảng viên Đại học Hasanuddin
15. Bộ trưởng quy hoạch nông nghiệp và không gian (Agrarian and Spatial Planning Minister): Fery Musyidan Baldan, lãnh đạo cấp cao đảng Nasdem
16. Bộ trưởng Giao thông Vận tải: Ignasius Jonan, Tổng giám đốc công ty PT Kereta Api Indonesia
17. Bộ trưởng Biển và Nghề cá: Susi Pudjiastuti, chủ sở hữu hãng đỉều hành hàng không Susi Air
18. Bộ trưởng Nguồn nhân lực: Hanif Dhakiri, nhà lãnh đạo cấp cao đảng PKB
19. Bộ trưởng Bộ Công trình công cộng và Nhà ở: Basuki Hadimuljono, quan chức cấp cao Bộ Công trình công cộng
20. Bộ trưởng Y tế: Nila Moeloek, đại diện của Indonesia về các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG)
21. Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục Phổ thông: Anies Baswedan, Hiệu trưởng Đại học Paramadina
22. Bộ trưởng Xã hội: Khofifah Indra Parawansa, cựu Bộ trưởng trao quyền cho phụ nữ
23. Bộ trưởng Tôn giáo: Lukman Hakim Saifuddin, nguyên Bộ trưởng Tôn giáo
24. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông: Rudiantara, Thanh tra công ty PT Indosat
25. Thư ký Nhà nước: Pratikno, Hiệu trưởng Đại học Gadjah Mada
26. Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ và Đại học: M. Nasir, Hiệu trưởng Đại học Diponegoro
27. Bộ trưởng Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em: Yohana Susana Yembise, Giảng viên Đại học Cendrawasih
28. Bộ trưởng Hành chính và Cải cách quan liêu (Adminỉstative and Bureucratic Reform Minister): Yuddy Chrisnandi, nhà lãnh đạo cấp cao đảng Hanura
29. Bộ trưởng các làng và khu vực chậm phát triển và Di cư: Marwan Jafar, nhà lãnh đạo cấp cao đảng PKB
30. Bộ (Ủy ban) Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas): Andrinof Chaniago, Giảng viên Đại học Indonesia(UI)
31. Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước: Rini Soamerno, cựu Bộ trưởng Thương mại 2001-2004
32. Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Puspayoga, nhà lãnh đạo cấp cao PDI-P
33. Bộ trưởng Du lịch: Arief Yahya, Tổng giám đốc công ty PT Telekomunikasi Indonesia
34. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao: Imam Nahrawi, nhà lãnh đạo cấp cao PKB