Chính phủ Romania sụp đổ sau 2 tháng hoạt động

Chính phủ trung hữu của Romania đã sụp đổ sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội ngày 27/4.

Chính phủ trung hữu của Romania đã sụp đổ sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội ngày 27/4.

 

Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ theo đề nghị của phe đối lập, vốn chỉ trích các kế hoạch tư nhân hóa của chính phủ, đã có 235 nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ bất tín nhiệm chính phủ, vượt số phiếu tối thiểu cần thiết là 231.

 

Như vậy, chỉ hai tháng sau khi thành lập, chính phủ của Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu đã phải "ra đi" và điều này có thể sẽ đẩy Romania lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới và gây nhiều ngờ vực xung quanh chương trình "thắt lưng buộc bụng" gây tranh cãi của nước này.

 

Với kế hoạch cắt giảm lương và tăng thuế bán hàng, chương trình kinh tế khắc khổ do chính phủ đề xuất đã làm chậm sự phục hồi kinh tế của nước thành viên nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) này.

 

Ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ tại quốc hội, Tổng thống Trajan Besescu đã mời lãnh đạo các đảng chính trị tới tham vấn và có thể sẽ chỉ định một thủ tướng mới vào cuối ngày 27/4. Chính phủ mới sẽ chỉ hoạt động trong thời gian ngắn do nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2012.

 

Phát biểu với giới báo chí sau cuộc bỏ phiếu nói trên, ông Victor Ponta, một trong hai thủ lĩnh đảng Liên minh Xã hội-Tự do đối lập, tuyên bố đảng này sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm thành lập chính phủ mới. Ông nói: "Nếu Tổng thống Besescu chỉ định tôi làm thủ tướng, tôi sẽ chấp nhận".

 

Romania là quốc gia nghèo thứ hai trong EU và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Trong quý đầu năm 2012, kinh tế Romania gần như đã rơi vào suy thoái.

 

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, chính phủ nước này buộc phải thắt chặt chi tiêu và tiến hành cải cách để nhận được 20 tỷ euro (26 tỷ USD) trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU. Tuy nhiên, các biện pháp kinh tế khắc khổ này bị người dân phản đối mạnh mẽ, dẫn tới uy tín của đảng Dân chủ-Tự do (DLP) cầm quyền giảm sút./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục