Chinh phục sông Amazone bằng chính đôi bàn chân

Bất chấp việc phải đương đầu với vô vàn khó khăn, Ed Stafford vẫn quyết tâm đi bộ dọc theo bờ con sông Amazone dài nhất thế giới.
Bất chấp việc phải đương đầu với những khó khăn được cảnh báo, Ed Stafford, một người Anh vẫn quyết tâm đi bộ dọc theo bờ con sông Amazone dài nhất thế giới.

859 ngày và hành trình dài gần 10.000km

Ngày 10/8, báo chí Anh cho biết Ed Stafford, một cựu đại úy người Anh, đã thành công trong nỗ lực đi bộ dọc theo sông Amazone, bằng việc tới phía bắc Brazil, chạm chân vào những con sóng của Đại Tây Dương.

Tới lúc đó, hành trình của Stafford đã dài 859 ngày và anh đã đi qua chặng đường dài tổng cộng hơn 9.600km (gồm chiều dài sông Amazone và các đoạn đường đi vòng hoặc leo qua núi đồi). Vài giờ trước khi tới biển, Stafford đã ngã gục bên vệ đường, bất tỉnh nhân sự vì quá mệt.

Tuy nhiên, sau đó anh tỉnh dậy và lần tới bãi biển Maruda của Brazil. “Thật không thể tin được khi tôi đã tới đây,” Stafford nói với hãng tin AP trước khi lao về phía biển.

Cho tới nay có tổng cộng sáu cuộc thám hiểm đã được người ta thực hiện dọc theo sông Amazone. Tuy nhiên, tất cả các kỷ lục này đều được những người chèo thuyền thực hiện. Stafford cho biết chuyến đi của anh hoàn toàn mang tính cá nhân, cũng như chính sự chê bai, khích bác và thách thức của người ngoài là động lực để mình thực hiện chuyến đi.

“Việc có quá nhiều người nói với tôi là không thể đi bộ dọc theo chiều dài sông Amazone đã là động cơ mạnh khiến tôi quyết tâm hơn,” Stafford nói với kênh truyền hình ABC: “Ngay khi họ nói rằng chuyện này là không thể, tôi liền nảy sinh ham muốn chứng minh điều ngược lại. Tôi thực hiện chuyến đi này còn bởi trước đó chưa ai từng lập kỷ lục tương tự.”

Vật lộn để sinh tồn trong suốt chuyến đi

Stafford bắt đầu hành trình vào ngày 2/4/2008 cùng bạn đồng hương Luke Collyer, 37 tuổi. Cả hai mang theo hai balô chứa dụng cụ giúp sinh tồn trong rừng nhiệt đới, một chiếc máy tính xách tay để cập nhật chuyến đi và một chiếc điện thoại vệ tinh có kết nối Internet cùng lời hứa sẽ tài trợ khoảng 100.000USD từ các nhà tài trợ.

Họ tìm đến thượng nguồn sông Amazone ở dãy Andes của Peru và khởi hành từ đây. Nhưng chưa đầy ba tháng sau, hai người cãi cọ vì một chiếc iPod nên Collyer trở về Anh. Stafford đăng quảng cáo tìm bạn đồng hành mới và hai tháng sau thì nhận được đề nghị trợ giúp từ Gadiel “Cho” Sanchez Rivera, 31 tuổi, một nhân viên lâm nghiệp người Peru. Cùng nhau họ tiếp tục hành trình dang dở.

Dọc đường, các nhà tài trợ bất ngờ rút chạy do suy thoái kinh tế. Tiếp đó hệ thống dẫn đường GPS của họ bị hỏng còn bảo hiểm y tế của Stafford thì hết hạn. Chuyến đi của Stafford nhanh chóng trở thành một cuộc vật lộn để sinh tồn.

Trong quá trình đi dọc Amazone, Stafford đã thấy loài cá piranha nổi tiếng vì “tài” ăn thịt người. Tuy nhiên những con cá đáng sợ này, cùng rau dại, gạo và đậu mang theo đã giúp Stafford sống sót. Anh cũng mua đạn dược của các cộng đồng địa phương sống dọc theo sông để săn thú rừng.

Stafford và Rivera đã đối mặt với gần như mọi mối nguy hiểm mà người ta có thể hình dung ra về Amazone, từ những con cá sấu dài gần 5m cho tới những con rắn khổng lồ, bệnh tật, cái đói vì thiếu ăn và nguy cơ chết chìm trong các đầm lầy dọc theo sông Amazone.

Có lần cả hai còn bị thổ dân Peru bắt giữ vì nghi ngờ họ giết người để lấy nội tạng, trước khi được minh oan và trả tự do. Sau 859 ngày đi bộ ròng rã, với “chiến tích” hai lần bị bò cạp chích, thay hai đôi ủng caosu, ba đôi giày và bốn đôi dép hiệu Crocs, sụt mất 7kg trọng lượng, hơn 50.000 lần bị muỗi đốt, Stafford đã về tới đích.

Mặc dù mục đích ban đầu khi lập kỷ lục là để thử thách bản thân nhưng Stafford vẫn hy vọng chuyến đi sẽ giúp nâng cao nhận thức của dư luận về việc rừng nhiệt đới Amazone đang bị tàn phá.

Stafford cũng tiết lộ rằng đã có kế hoạch tổ chức một hành trình mới vào tháng 9/2011, một chuyến đi anh vẫn đang giữ kín thông tin bởi sợ kẻ khác biết được và sẽ lập kỷ lục trước./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục