Ngày 23/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước tăng lên từng ngày, với mục tiêu giải quyết quyết liệt nguồn bệnh trong nước và từ nước ngoài vào, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định tỷ lệ nhiễm bệnh ngay trên máy bay của người nhập cảnh vào Việt Nam cao, đặc biệt trong những ngày gần đây.
Do đó, các lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm công tác quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện cách ly theo đúng quy định, đảm bảo hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện có nhiều người nước ngoài và người Việt Nam nhập cảnh vào Việt Nam (trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày 8/3 vừa qua), do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu chính quyền địa phương, với nòng cốt là lực lượng công an, y tế, thực hiện sát sao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nhận diện đầy đủ, nắm bắt sâu sát tình hình người nhập cảnh vào Việt Nam, người tiếp xúc gần, người đã đi trên các phương tiện có nguy cơ lây nhiễm cao và yêu cầu thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp.
Ban Chỉ đạo giao cho các cấp chính quyền thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc trước 12 giờ ngày 25/3 tới.
Liên quan đến các loại test thử, trong thời gian qua các lực lượng chuyên môn đã cơ bản đánh giá chất lượng các loại test khác nhau; do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, dự báo nhu cầu về trang thiết bị, vật tư y tế tăng mạnh, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương bàn, thống nhất nhằm đảm bảo trang thiết bị vật tư toàn quốc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
[Thêm 3 ca dương tính, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam lên 121]
Đồng thời, các địa phương cần phối hợp ngành giáo dục, ngành lao động tận dụng xem xét, rà soát thêm các cơ sở, ký túc xác các trường, sẵn sàng đáp ứng công tác cách ly trong các trường hợp cần thiết.
Ban Chỉ đạo bàn các giải pháp ưu tiên nơi cách ly theo hình thức tự trả phí cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và một số chuyên gia làm việc tại một số dự án trọng điểm, đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Đảm bảo an toàn cho người được cách ly và cộng đồng là mục đích và yêu cầu cao nhất của công tác cách ly tập trung, do đó, Ban Chỉ đạo thống nhất, các mục tiêu thứ yếu liên quan đến việc tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi sẽ được giải quyết và khắc phục khi có điều kiện.
Nhấn mạnh vai trò nòng cốt của Bộ Quốc phòng trong việc tiếp tục quản lý, điều phối, đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ các cơ sở cách ly tập trung, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cách ly tập trung được triển khai miễn phí và không có sự phân biệt dành cho người dân Việt Nam. Do đó, người được cách ly cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn trong các khu cách ly tập trung.
Người có điều kiện có thể tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, qua đó góp phần tạo điều kiện cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống dịch..
Về hỗ trợ cán bộ công tác tại nước ngoài, Ban Chỉ đạo giao cho Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp danh sách thuốc men, vật tư y tế phòng dịch như khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ… với số lượng hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ và gia đình đang công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 14 giờ ngày 23/3, Việt Nam ghi nhận 118 trường hợp mắc COVID-19 trong 18.820 mẫu đã xét nghiệm. Trong đó, 16 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, 1 trường hợp có 3 lần xét nghiệm âm tính, đang được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện; chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Tính theo nguồn lây nhiễm, có 43 trường hợp mắc bệnh được cách ly từ sân bay, 75 trường hợp (trong đó có 59 trường hợp từ ngày 6/3 vừa qua) được phát hiện sau đó.
Tổng số 52.790 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, trong đó 1.376 người được cách ly tại bệnh viện, 21.119 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 30.295 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú..
Hiện tại, 101 bệnh nhân (74 người Việt Nam và 27 người nước ngoài) đang được điều trị tại 11 cơ sở khám, chữa bệnh. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân như sau: 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực; 8 bệnh nhân có tiến triển nặng hơn trước; các bệnh nhân khác có sức khỏe ổn định, trong đó 18 trường hợp đã có kết quả âm tính lần 1.
Tính đến 11 giờ 15 ngày 23/3, thế giới ghi nhận 338.724 trường hợp mắc COVID-19 tại 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 14.687 người tử vong.
Trung Quốc đại lục có 81.093 ca mắc, 3.270 ca tử vong tại 31/31 tỉnh, thành phố. Tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận 257.631 ca mắc, 11.417 người tử vong.
Một số nước có người nhiễm virus SARS-CoV-2 cao như Italy có 59.138 ca mắc, 5.476 người tử vong; Iran có 21.638 ca mắc, 1.685 ca tử vong; Tây Ban Nha có 28.768 ca mắc, 1.772 người tử vong; Đức có 24.873 trường hợp mắc, 94 ca tử vong; Hàn Quốc có 8.961 ca mắc, 111 ca tử vong; Pháp ghi nhận 16.018 ca mắc, 674 ca tử vong; Mỹ ghi nhận 34.717 ca mắc, 452 ca tử vong; Thụy Sĩ 7.474 ca mắc, 98 ca tử vong; Anh 5.683 ca mắc, 281 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại các nước Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Áo, Bỉ… có diễn biến phức tạp./.