Chính quyền Thái Lan tổ chức lại lực lượng cảnh sát quốc gia

Chính quyền quân sự Thái Lan vừa quyết định tổ chức lại lực lượng cảnh sát, đồng thời sửa đổi quy định liên quan tới việc bổ nhiệm Tư lệnh cảnh sát quốc gia.
Chính quyền Thái Lan tổ chức lại lực lượng cảnh sát quốc gia ảnh 1Cảnh sát Thái Lan bắn đạn cao su để giải tán đám đông biểu tình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính quyền quân sự Thái Lan vừa quyết định tổ chức lại lực lượng cảnh sát, đồng thời sửa đổi quy định liên quan tới việc bổ nhiệm Tư lệnh cảnh sát quốc gia với mục tiêu ngăn cản những ảnh hưởng của các chính trị gia đối với lực lượng này.

Theo cơ cấu mới, trong Ủy ban cảnh sát quốc gia Thái Lan sẽ không còn Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp, nhưng thay vào đó là Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng, người chưa từng bao giờ được ngồi trong ủy ban này.

Số lượng chuyên gia trong ủy ban cũng bị cắt giảm từ bốn xuống còn hai người và do Thượng viện lựa chọn. Trước đây số chuyên gia là do chính Ủy ban cảnh sát quốc gia chọn lựa và đưa vào.

Một thay đổi quan trọng nữa là việc Ủy ban cảnh sát quốc gia sẽ có quyền bổ nhiệm Tư lệnh cảnh sát quốc gia mới dựa trên sự tiến cử của người tiền nhiệm.

Ứng viên Tư lệnh cảnh sát quốc gia phải là một trong các Phó tư lệnh cảnh sát quốc gia hoặc là một viên tướng phụ trách công tác điều tra trong lực lượng cảnh sát.

Trước đây, Thủ tướng Thái Lan là người giữ quyền bổ nhiệm và lựa chọn từ bất kỳ một viên tướng cảnh sát nào.

Sự thay đổi này được coi là nhằm tách lực lượng cảnh sát khỏi sự ảnh hưởng của các chính trị gia, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho các các công chức, viên chức nhà nước (công chức, viên chức nhà nước của Thái Lan là những người không tham gia đảng phái).

Thể hiện rõ nhất cho việc ngăn chặn những ảnh hưởng của chính trị gia đối với lực lượng cảnh sát là việc Thủ tướng không còn quyền lựa chọn và chỉ định Tư lệnh cảnh sát quốc gia nữa.

Các sỹ quan cảnh sát sẽ có cơ hội tiến thân thông qua khả năng của họ.

Phản ứng trước những thay đổi này, một số quan chức cảnh sát và học giả đã tỏ ra ủng hộ việc lực lượng cảnh sát không bị tác động bởi chính trị, trong khi các chính trị gia lại bày tỏ lo ngại khả năng dẫn tới tình trạng cảnh sát hóa nhà nước.

Những người ủng hộ cho rằng đây là một bước khởi đầu cho sự thay đổi để đảm bảo rằng lực lượng cảnh sát quốc gia thuộc về nhân dân.

Tuy nhiên, những người không đồng tình lại cho rằng việc đưa đại diện quân đội vào Ủy ban cảnh sát quốc gia là điều không thích hợp. Lực lượng cảnh sát cần được tôn trọng và cần có tiếng nói riêng của mình.

Một số chính trị gia còn kêu gọi cảnh sát cần có tiếng nói nếu không sẽ để quân đội lấn lướt. Chính trị gia có thể không can thiệp, nhưng cảnh sát phải là một lực lượng mạnh.

Việc đưa Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng vào có thể được giải thích là nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa cảnh sát và quân đội, nhưng cũng có thể hiểu hành động này là một sự can thiệp của quân đội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục