Chính sách bảo vệ môi trường ở cụm, KCN nhiều bất cập

Công tác quy hoạch và quản lý các khu, cụm công nghiệp còn nhiều lỗ hổng, dẫn tới ô nhiễm môi trường tại đây diễn ra khá phổ biến.

Sau 27 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2013), kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Trong đó việc thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là xu hướng tất yếu để quản lý tập trung hoạt động sản xuất.

Riêng công nghiệp chế biến là lĩnh vực đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và có những đóng góp tích cực cho kinh tế-xã hội. Tuy vậy, công tác quy hoạch và quản lý các khu, cụm công nghiệp còn nhiều lỗ hổng, dẫn tới ô nhiễm môi trường tại đây diễn ra khá phổ biến.

Theo tiến sỹ Lê Trình, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển: Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 289 khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Ngoài ra, các cụm công nghiệp cũng được hình thành theo cấp số nhân, đến cuối năm 2012 đã lên đến 878 cụm công nghiệp.

Theo nghiên cứu gần đây, có một số nhóm lợi ích gắn liền với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp gồm chính quyền các cấp, nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp thuê đất, người lao động và người dân địa phương.

Những nhóm lợi ích này có những mối quan tâm khác nhau đến khu, cụm công nghiệp, gây ra những khó khăn trong công tác quản lý, thậm chí còn dẫn đến xung đột lợi ích. Ngoài ra, hiện việc phân quyền quản lý cho các bên liên quan chưa thực sự rõ ràng, tạo nên sự chồng chéo, những lỗ hổng cũng như khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Những năm qua đã có quá nhiều các khu, cụm công nghiệp được thành lập, nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn tạo ra hệ lụy cho người dân. Mặt khác, công tác bảo vệ môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp rất lỏng lẻo.

Trên thực tế, ô nhiễm môi trường tại những khu vực này diễn ra khá phổ biến và hết sức nghiêm trọng ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng và sinh kế của người dân nghèo vốn phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên như đất và nước.

Mặc dù công cụ đánh giá tác động môi trường đã được ban hành, nhằm sàng lọc những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng trên thực tế, sau quá trình thẩm định đánh giá tác động môi trường, một số dự án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn được chấp thuận đưa vào sản xuất, gây ô nhiễm kéo dài và khó giải quyết.

Thực trạng trên đang đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả của các công cụ quản lý, cũng như sự minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp hiện nay. Cộng đồng địa phương là đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có cơ chế nào cho sự tham gia của cộng đồng trong các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, đồng thời việc thực hiện tham vấn cũng còn tồn tại nhiều vấn đề.

Cụ thể như đối với các dự án trong khu, cụm công nghiệp, chủ đầu tư không phải thực hiện tham vấn cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra trong trường hợp xảy ra các sự cố môi trường ở giai đoạn hoạt động, cộng đồng dân cư cũng rất khó có thể tiếp cận với các doanh nghiệp đầu tư tại đây.

Ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, trong thời gian qua, quỹ châu Á (TAF) và Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ báo chí khai thác chủ đề bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường, nhằm góp phần tăng cường minh bạch thông tin các dự án phát triển và đóng góp cho quá trình sửa đổi Luật Môi trường 2005.

Ngày 27/12 tới tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm và Viện Khoa học Môi trường và Phát triển phối hợp với các đối tác tổ chức Hội thảo “Bảo vệ môi trường trong hệ thống các khu công nghiệp Việt Nam: Các lỗ hổng chính sách, vấn đề minh bạch thông tin và các tác động đối với cộng đồng.”

Mục đích chia sẻ một số kết quả điền dã báo chí, tạo diễn đàn mở để các bên liên quan cùng thảo luận về những bất cập trong chính sách bảo vệ môi trường nói chung, đánh giá tác động môi trường nói riêng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục