Theo trang mạng eurasiareview.com và trang mạng cnn.com, trong năm đầu tiên Donald Trump nắm quyền tổng thống, Mỹ và Triều Tiên vẫn miệt thị nhau bằng những dòng tweet như “thằng nhóc tên lửa," “lão già lẩm cẩm” và Bình Nhưỡng vẫn tiến hành thử vũ khí hạt nhân.
Thế giới khi đó dường như đang bước vào một kỷ nguyên mới trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, một bước chuyển rõ ràng từ “kiên nhẫn chiến lược” sang hành động cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, bất chấp việc Mỹ tuyên bố “đã lên đạn và sẵn sàng khai hỏa” nhằm vào Triều Tiên, đã ba năm trôi qua mà không có hành động khiêu khích nào từ cả hai phía.
Trong thời gian này, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi thư từ 25 lần, và ông Trump gọi đó là “những bức thư tình." Những lá thư này đã giúp ông Trump và ông Kim Jong-un “ve vãn ngoại giao," qua đó xây dựng được “mối quan hệ đặc biệt." Kết quả là, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã tham gia hai cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore và Việt Nam với nhiều hứa hẹn và mang lại một chút thay đổi về chất trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Sẽ rất dễ dàng để lập luận cho quan điểm rằng chính sách của ông Trump đối với Triều Tiên là hoàn toàn thất bại. Nhưng cũng có thể nhận định rằng ông Trump đã đạt được nhiều nhất từ các mối quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời là người nhượng bộ nhiều nhất. Dường như có thể đưa ra rất nhiều đánh giá khác nhau về mối quan hệ này với dẫn chứng phù hợp.
Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên và tác động
Khi nhận xét về chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama đối với Triều Tiên, ông Trump đã mô tả đó là chính sách “kiên nhẫn chiến lược” và đánh giá chính sách này là “thất bại," dẫn đến việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Chính sách kiên nhẫn chiến lược của Tổng thống Obama theo hướng cam kết Mỹ sẽ can dự ngoại giao với Triều Tiên nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa và tham vấn với Hàn Quốc về việc trở lại bàn đàm phán sáu bên. Chính sách kiên nhẫn chiến lược của ông Obama phù hợp với chính sách rộng hơn của Mỹ, trong đó có việc coi trọng quan hệ với các nước đồng minh khu vực, thông qua sự mơ hồ chiến lược.
Khái niệm mơ hồ chiến lược được hiểu là nhằm trấn an các đồng minh và kiềm chế đối thủ bởi vì không rõ đâu là “lằn ranh đỏ," có thể gây ra áp lực quân sự hoặc ngoại giao. Trong lịch sử quan hệ của Mỹ với khu vực kể từ khi Liên Xô sụp đổ, sự can dự của Mỹ với khu vực - theo các hình thức và mức độ khác nhau, đã gắn liền với chính sách này.
[Mỹ khẳng định tiếp tục để ngỏ cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên]
Nhìn vào các hành động của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên có thể thấy rõ là sự dao động trong quan hệ với Triều Tiên không chỉ diễn ra trong các chính quyền Mỹ trước đây mà còn diễn ra ngay cả trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump - chuyển từ việc dè dặt lên án vụ phóng tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên năm 2017 thông qua Sắc lệnh hành pháp 13810 sang các hành động thù địch hơn như đe dọa có hành động quân sự đối với Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore năm 2018 tạm thời bị hủy.
Cách tiếp cận này có thành công hay không? Nếu đối chiếu với những mục tiêu đề ra về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên thì có thể khẳng định chính sách này không thành công. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu rất cao nên không thể nói ông Trump đạt được thành quả thấp hơn các tổng thống khác. Mặc dù vậy, nếu không tính đến mục tiêu phi hạt nhân hóa, để đạt được kết quả tương tự, Tổng thống Trump đã phải nhượng bộ nhiều hơn.
Ông Trump đã nâng cao vị thế và tính hợp pháp của Triều Tiên cũng như nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi tham gia hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Vì vậy, có thể nói ông Trump không hẳn thực hiện chính sách kém thành công hơn mà vấn đề là Tổng thống Trump đã bỏ ra “chi phí” cao hơn.
Quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực
Sự thay đổi cách tiếp cận của Mỹ một cách chóng mặt, từ gây sức ép tới can dự, dường như đã làm trầm trọng thêm sự căng thẳng của các mối quan hệ trong khu vực. Như đã đề cập ở trên, sự mơ hồ chiến lược có thể là một cơ chế quan trọng trong ngoại giao liên minh, đặc biệt là quản lý quan hệ với các nước đồng minh. Tuy nhiên, cấu trúc liên minh phức tạp của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á (Mỹ có quan hệ đồng minh song phương với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi quan hệ Nhật-Hàn ở trong tình trạng căng thẳng) khiến cho việc triển khai khía cạnh này của ngoại giao liên minh trở nên rất phức tạp, đặc biệt là về vấn đề Triều Tiên.
Trong giai đoạn hiện nay của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, điều này càng trở nên khó khăn hơn. Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jae-in và Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận tốt nhất để đối phó với Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in rõ ràng tìm cách can dự với Triều Tiên, trong khi đó, Shinzo Abe ưu tiên cách tiếp cận cứng rắn hơn để đối phó với Triều Tiên và yêu cầu nước này phi hạt nhân hóa mạnh mẽ hơn.
Những dao động trong cách tiếp cận trực tiếp của Mỹ với Triều Tiên dường như là sự dao động giữa hai cách tiếp cận của Nhật Bản và Hàn Quốc, làm suy giảm niềm tin của cả hai quốc gia này về phản ứng của Mỹ trong trường hợp Triều Tiên có hành động khiêu khích, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, và khiến cho triển vọng đạt được cách tiếp cận chung về vấn đề Triều Tiên trở nên ngày càng xa vời. Sự mơ hồ này trong chính sách của Mỹ có vẻ như không mang tính chiến lược.
Vậy nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đã đạt được gì trong vấn đề Triều Tiên? Câu trả lời là ngoại trừ các cuộc họp thượng đỉnh và các dòng tweet thì mọi thứ vẫn như cũ: Triều Tiên vẫn chưa phi hạt nhân hóa và vẫn bị Mỹ trừng phạt, Mỹ vẫn chưa phát động chiến tranh chống Triều Tiên, kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn từng bước được phát triển.
Trong quan hệ với các nước đồng minh, chính sách của Mỹ với Triều Tiên tiếp tục mơ hồ chiến lược. Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ vẫn không tán thành cách tiếp cận của Trung Quốc vấn đề Triều Tiên.
Liệu Nhật Bản có một thủ tướng mới hay khả năng nước Mỹ có một tổng thống mới có thể thay đổi được điều này hay không? Câu trả lời là: sự mơ hồ chiến lược của Mỹ ít có khả năng thay đổi, nhưng có thể có sự thay đổi về chiến thuật trong quá trình triển khai./.