Bế mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2015 tại Trung Quốc

Chính thức bế mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2015 tại Trung Quốc

BFA 2015 thảo luận về kinh tế vĩ mô, hợp tác khu vực, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, sáng tạo kỹ thuật, an ninh chính trị và an sinh xã hội.
Chính thức bế mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2015 tại Trung Quốc ảnh 1Toàn cảnh diễn đàn. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 29/3, sau 4 ngày làm việc, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2015 (BFA) đã bế mạc tại tỉnh Hải Nam (Hainan), miền Nam Trung Quốc.

Diễn đàn với chủ đề "Tương lai mới cho châu Á: Hướng tới một cộng đồng cùng chung vận mệnh", đã có sự tham dự của gần 2.800 chính trị gia, doanh nhân và học giả cùng với các nhà báo đến từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Khai mạc ngày 26/3, BFA 2015 tập trung vào 6 lĩnh vực gồm kinh tế vĩ mô, hợp tác khu vực, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, sáng tạo kỹ thuật, an ninh chính trị và an sinh xã hội.

Vấn đề thu hút sự quan tâm nhất của dư luận tại diễn đàn năm nay là sự ủng hộ của các nước đối với sáng kiến thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng khu vực do Trung Quốc khởi xướng.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, học giả cho rằng cục diện kinh tế thế giới đang có những thay đổi mới. Kinh tế châu Á đóng góp hơn 50% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu nên nhu cầu huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng. Tăng cường kết nối tại khu vực có tỷ lệ dân số cao nhất thế giới sẽ đem lại động lực phát triển mới và tạo bước tiến triển mới trong tiến trình nhất thể hoá kinh tế châu Á.

Theo dự báo, mỗi năm phát triển hạ tầng cơ sở tại khu vực châu Á cần 800 tỷ USD và trong 10 năm tới sẽ cần đến 8.000 tỷ USD, điều này đã hấp dẫn các nước phương Tây tham gia vào AIIB. Tính đến ngày 29/3, đã có 40 quốc gia là thành viên của AIIB, trong đó có nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Italy, Đức...

Ông Diêm Học Thông, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa cho rằng các nước ngoài khu vực khi tham gia vào AIIB không những góp phần phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á mà còn thúc đẩy tăng trưởng mới cho chính các quốc gia, khu vực đó.

Bà Mari Pangestu, nguyên Bộ trưởng Công thương Indonesia khẳng định ngoài sự kiện Cộng đồng ASEAN (AC) sẽ được thành lập vào cuối năm nay, việc tham gia vào AIIB sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á có cơ hội tiếp nhận nguồn vốn đầu tư cho các dự án về giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo ...Tuy nhiên, cơ chế hoạt động và hiệu quả của AIIB cần tiếp tục thảo luận và thực tế chứng minh.

Sau bốn ngày làm việc, BFA 2015 đã khép lại nhưng các vấn đề được thảo luận tại đây cần phải được hiện thực hóa bằng những hành động, nhằm hướng tới kết nối châu Á trong giai đoạn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục