Sáng 15/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 8.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Đó là dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Hai dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng. Ngay sau Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các cuộc làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các cuộc họp của cơ quan thẩm tra với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, thống nhất một số vấn đề.
[Phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nhiều dự án luật]
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 2 dự án luật này, một số nội dung còn có quan điểm hoặc có cách hiểu khác nhau.
Về dự án luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các nội dung liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động; về cơ chế phối hợp giữa cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức và lực lượng chức năng có liên quan trọng việc thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.
Với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề lớn có liên quan đến điều khoản về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; bản quyền tác giả và quyền liên quan tới quyền sở hữu công nghiệp, quyền với giống cây trồng…
Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các vấn đề cần sửa đổi trong Luật Hải quan; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Giá…
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua rà soát thì có những quy định của các luật này có liên quan đến các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật Sở hữu trí tuệ. Bởi vậy, cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất cách thức xử lý vấn đề để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nhấn mạnh rằng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo luật nêu trên là một bước chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời cho ý kiến về những công việc tiếp theo cần triển khai để bảo đảm chất lượng cao nhất cho dự thảo luật khi trình ra Quốc hội.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề nào cần chuẩn bị để xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Với những dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp thì có hình thức lấy ý kiến của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, người dân như thế nào cho hợp lý…
Ngoài ra, trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét đề nghị bổ sung dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Đây là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp trước, nhưng chưa bảo đảm yêu cầu nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu chuẩn bị lại.
Trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và đề xuất những cách thức tổ chức tiếp theo.
Về việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Phú Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của Phổ Yên.
Việc xem xét, quyết định việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Đây là vấn đề lớn trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để thể chế hóa, cụ thể hóa các vấn đề được nêu ra tại nghị quyết của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH12 ngày 31/1/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây là hai trong số danh mục 107 đề án, kế hoạch, nhiệm vụ lớn theo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội để thực hiện Nghị quyết số 161/2021/QH14 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó có chất lượng hoạt động các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về công tác dân nguyện trong tháng 1/2022. Đây là nội dung thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nội dung công việc rất lớn, trong khi thời gian bố trí cho phiên họp chỉ là 2,5 ngày. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội mong các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện của các cơ quan hữu quan chủ động sắp xếp thời gian, tham gia đầy đủ, đúng thành phần, tập trung cao nhất để Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành chương trình phiên họp với chất lượng cao nhất./.