Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng, hạn chế vàng da và hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh ở trẻ. Tất cả những điều đó giúp làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Thông tin trên được bà Phạm Phú Tiêu Tương - Phó Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh thành phố Hà Nội nhấn mạnh tại Hội thảo Tiền sản - Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho các sản phụ trước sinh, diễn ra ngày 14/10 tại Hà Nội.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành sản phụ khoa, bà Phạm Phú Tiêu Tương đã truyền tải những kiến thức trọng tâm về nuôi con bằng sữa mẹ, ý nghĩa của việc nuôi con bằng sữa mẹ và những kinh nghiệm cần thiết cho hơn 1.000 thai phụ trước và sau sinh tới dự Hội thảo trong chuỗi Chương trình Festival Mẹ bầu và Em bé.
Phó Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh thành phố Hà Nội nhấn mạnh trong sữa mẹ có chứa lượng kháng thể tự nhiên cùng với nguồn dinh dưỡng đầy đủ vitamin và khoáng chất, giống như một vaccine tự nhiên giúp bảo vệ trẻ sơ sinh hỏi nguy cơ nhiễm các virus, vi khuẩn gây hại, giúp trẻ có được một khởi đầu khỏe mạnh, giảm nguy cơ dị ứng, hen suyễn, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp... Trẻ được bú sữa mẹ khỏe mạnh hơn, phát triển trí não tốt hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc bệnh tiểu đường sau này.
“Đáng lưu ý, trẻ ngày sau sinh khoảng 2-3 ngày sẽ có những dấu hiệu vàng da, vì vậy các sản phụ cần có kiến thức để cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh bởi trong sữa non của người mẹ có thành phần của chất hạn chế làm vàng da ở trẻ. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe,” Phó Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh thành phố Hà Nội phân tích.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 1,6 triệu trẻ mới sinh ra mỗi năm.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu 2.011 trẻ em mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời chỉ đạt 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020.
Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng sữa mẹ có chứa HMO - dưỡng chất vàng giúp trẻ tăng đề kháng, bảo vệ sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh.
Tầm quan trọng của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ đã được khẳng định, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bệnh truyền nhiễm nhiều như hiện nay.
Các nghiên cứu cũng cho thấy người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư vú và ung thư buồng trứng. Việc cho con bú giúp ngăn chặn được 20.000 ca tử vong mỗi năm ở các bà mẹ do ung thư vú.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu gần như toàn thế giới gia tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, có thể cứu sống hơn 800.000 trẻ, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Tại những quốc gia có đa số trẻ được bú mẹ hoàn toàn, chi phí y tế sẽ thấp hơn so với những quốc gia có tỷ lệ trẻ không được bú mẹ hoàn toàn cao.
Vì những lợi ích trên, những năm qua WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) liên tục đẩy mạnh các thông điệp truyền thông và khuyến cáo các sản phụ nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng./.
Bà Phạm Phú Tiêu Tương - Phó Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh thành phố Hà Nội cho rằng mỗi một thai phụ cần trang bị cho mình kiến thức về những lợi ích của sữa mẹ để cho trẻ nguồn dinh dưỡng đầu đời tốt nhất. Các sản phụ cần vắt trữ sữa và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ khi có quá nhiều sữa hoặc trữ sữa mẹ cho trẻ khi đi làm. Cách bảo quản sữa mẹ: - Sữa mẹ ở môi trường 26 độ C để được 6 giờ. |