Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tài xế tham gia giao thông có hành vi chống người thi hành công vụ.
Dư luận cho rằng cần lên án và xử nghiêm những hành vi bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của người tham gia giao thông, nhất là cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ.
Liều lĩnh, manh động
Ngày 30/12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi "Chống người thi hành công vụ."
Theo hồ sơ, lúc hơn 13 giờ ngày 24/12, Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Cảnh sát Giao thông Trật tự thuộc Công an thành phố Vĩnh Yên làm nhiệm vụ trên đường Tô Hiến Thành (Vĩnh Yên) phát hiện ôtô 19N-3347 đi hướng Lập Thạch-Vĩnh Phúc có dấu hiệu vi phạm.
Cảnh sát Giao thông đã ra tín hiệu dừng xe, kiểm tra nồng cồn. Tài xế bất ngờ quay đầu bỏ chạy và đâm vào một cán bộ chiến sỹ Cảnh sát Giao thông, hất đồng chí này lên nắp capô xe ôtô bỏ chạy.
Tổ công tác đã truy đuổi đến khu vực đầu đường Tô Hiến Thành- Hùng Vương của thành phố Vĩnh Yên đã chặn được ôtô dừng lại. Qua xác minh, tài xế là Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1975, trú tại thành phố Vĩnh Yên) là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi tài xế dừng xe ôtô, lượng lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, tài xế Nguyễn Văn Lâm vi phạm nồng độ cồn ở mức 0.056 mg/L khí thở. Ôtô của đối tượng này đã hết hạn kiểm định.
Chiều 16/2, tại Hà Nội trên phố Lê Văn Lương hướng đi Tố Hữu, tài xế Nguyễn Mạnh H, 43 tuổi bị tổ công tác Y3/141 yêu cầu dừng ôtô để kiểm tra nồng độ cồn.
Nhà chức trách cáo buộc, sau khi dừng xe, H không chấp hành yêu cầu kiểm tra và chửi bới, xô đẩy cảnh sát. Tài xế 43 tuổi hất văng mũ, ghì cổ một cảnh sát giao thông và dùng chân đá vào mặt một cảnh sát hình sự.
Nồng độ cồn của H khi kiểm tra nhanh cho kết quả 0,442 mg/l khí thở (cao hơn mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất).
[Khởi tố đối tượng vi phạm nồng độ cồn, hất CSGT lên nắp capô]
Ngày 21/2, Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Đỗ Đình Tám (sinh 1957, trú tại xóm Máy 2, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình) về tội “Chống người thi hành công vụ.”
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 11 giờ 20 phút ngày 2/2/2023, Tổ công tác Công an thành phố Hòa Bình đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại Km142+90m Quốc lộ 70, thuộc địa phận tổ 9, phường Tân Hòa, phát hiện chiếc xe ôtô biển kiểm soát 28A-130.05 đang di chuyển theo hướng thành phố Hòa Bình đi xã Yên Mông, có dấu hiệu vi phạm.
Lúc này, Trung úy Ngô Văn Thịnh, thành viên Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra, nhưng lái xe đã điều khiển phương tiện quay đầu để di chuyển ngược về hướng thành phố Hòa Bình nhằm trốn tránh việc kiểm tra.
Trung úy Ngô Văn Thịnh tiếp tục ra hiệu lệnh yêu cầu người điều khiển phương tiện đỗ vào lề đường theo hướng Yên Mông - thành phố Hòa Bình. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện xe ô tô không chấp hành và cố tình tăng ga đâm vào Trung úy Thịnh và Thượng úy Bùi Văn Thái đang điều khiển xe môtô 28A-000.72 đỗ cạnh đó, rồi mới dừng lại.
Lúc này, lực lượng chức năng yêu cầu người điều khiển phương tiện xuống xe để kiểm tra và xác định đối tượng là Đỗ Đình Tám. Trên xe, bên phía ghế phụ là chị Đ.T.M.N (sinh năm 1978, trú tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Khi chị Đ.T.M.N bước xuống xe thì Đỗ Đình Tám vẫn ngồi trên xe (vị trí ghế lái) và có lời nói xúc phạm cán bộ làm nhiệm vụ.
Sau đó Đỗ Đình Tám xuống xe, túm cổ áo Thượng úy Vũ Huy Thành vật ngã xuống đất làm Thượng úy Thành bị rạn đốt xương ngón tay và tổn thương phần mềm, phải nhập viện điều trị.
Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên phạt Đỗ Đình Tám mức án 12 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ.”
Cũng trong tháng 2/2023, tại Đồng Nai, Lào Cai liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến đối tượng điều khiển phương tiện giao thông (xe máy, ôtô) tông thẳng vào lực lượng chức năng khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.
Những vụ việc trên thể hiện rõ sự manh động, tính chất côn đồ, bất chấp hậu quả, coi thường tính mạng người khác và coi thường pháp luật của các đối tượng phạm tội.
Ý thức chấp hành pháp luật kém
Người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Thực tế cho thấy trong nhiều hoàn cảnh hiểm nguy như thiên tai, bão lũ, cháy nổ, phòng, chống tội phạm nguy hiểm,... người thi hành công vụ luôn là lực lượng xung kích ở tuyến đầu để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Ðiều này đúng với tính chất của nền đạo đức công vụ xã hội chủ nghĩa, những người thực thi công vụ ở bất kỳ cấp bậc, chức vụ nào cũng đều là người đầy tớ trung thành của nhân dân, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều không quản ngại khó khăn, vất vả, không ít người đã anh dũng hy sinh, để lại sự khâm phục và niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn xã hội.
Bên cạnh đó, người thi hành công vụ cần được mọi tổ chức, cá nhân và xã hội tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đáng lo ngại là các hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ , đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đang có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả về số vụ, phạm vi ảnh hưởng cũng như mức độ nghiêm trọng.
Thống kê từ Bộ Công an cho biết, trong năm 2022 đã xảy ra 26 vụ chống người thi hành công vụ, làm 10 người bị thương. Ðặc biệt, chỉ trong vòng 3 tháng (từ 15/11/2022-5/2/2023) cả nước xảy ra 17 vụ chống người thi hành công vụ, làm 12 cán bộ, chiến sỹ bị thương.
Theo các chuyên gia, việc gia tăng các hành vi chống người thi hành công vụ đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực: gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động đúng đắn của các cơ quan công vụ, gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước; đồng thời trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ cũng như người thân của họ; thể hiện thái độ coi thường pháp luật của một số người dân.
Nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống người thi hành công vụ thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, ý thức kém trong việc chấp hành pháp luật ở một số người dân. Cá biệt, một số đối tượng vi phạm còn có hành vi chống đối quyết liệt lực lượng chức năng nhằm trốn tránh việc bị xử lý. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống lại người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng đối tượng vi phạm có thái độ coi thường, bất chấp pháp luật.
Cần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật
Theo luật sư Nguyễn Thị Phương (công ty Luật Minh Khuê), Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ về tội chống người thi hành công vụ.
Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Những người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm gồm phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Trường hợp chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 144/2021/NÐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, trong đội ngũ những người thực thi công vụ vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng người thực thi công vụ buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về phẩm chất, năng lực chuyên môn, phong cách làm việc chậm đổi mới, thậm chí có một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, sách nhiễu người dân.
Tình trạng trên nguy cơ tác động xấu đến dư luận xã hội, tạo ra tình trạng nhờn luật và thói quen cố tình vi phạm pháp luật ở một bộ phận người dân; ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, do đó cần phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm.
Ðể bảo đảm tính công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật, tất cả những hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý, trong đó có cả những hành vi vi phạm pháp luật của những người thực thi công vụ. Ðiều này thể hiện đúng bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thời gian tới, để góp phần ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ cũng như cản trở người thi hành công vụ cần phải kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; nghiên cứu, xem xét nếu cần thiết có thể tăng nặng chế tài xử phạt để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa trong cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật đến quần chúng nhân dân, nhất là trong giới trẻ./.