Chủ nghĩa dân tộc, người nhập cư và thành công kinh tế

Không có nhiều nghi ngờ về việc người nhập cư đang giúp làm to ra chiếc bánh chung của mọi người, nhưng việc chiếc bánh đó được chia như thế nào lại là một câu chuyện cần bàn.
Chủ nghĩa dân tộc, người nhập cư và thành công kinh tế ảnh 1Người nhập cư xếp hàng bên ngoài một văn phòng tư vấn về quyền nhập cư tại Los Angeles, Mỹ ngày 30/9/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện không có nhiều nghi ngờ về việc người nhập cư đang giúp làm to ra chiếc bánh chung của mọi người; nhưng việc chiếc bánh đó được chia như thế nào liên quan đến người nhập cư lại là một chuyện cần phải bàn.

Jason Furman, giáo sư về thực hành Chính sách kinh tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đương chức, nhận định như vậy trong bài viết "
Chủ nghĩa dân tộc, người nhập cư và thành công kinh tế."

Bản dịch được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate. Quan điểm trong bài là của tác giả.

Một trong những thách thức chủ chốt mà các nền kinh tế tiên tiến của thế giới đang phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Trong thập niên qua, tỷ lệ tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến chỉ đạt mức trung bình 1,2%, giảm từ mức trung bình 3,1% của 25 năm trước đó.

Lịch sử cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể làm cho các xã hội trở nên ít hào phóng hơn, ít bao dung hơn, và ít hòa nhập hơn. Do vậy, một điều hiển nhiên là thập kỷ tăng trưởng ì ạch vừa qua đã góp phần vào việc làm nổi lên chủ nghĩa dân tộc dân túy dưới một hình thức gây thiệt hại ghê gớm đang diễn ra tại một số ngày càng tăng các quốc gia.

Giống như trong những thập niên u ám của thế kỷ 20, chủ nghĩa dân tộc ngày nay diễn ra dưới hình thức gia tăng sự chống đối nhằm vào dòng người nhập cư và - ở một mức độ ít hơn - vào thương mại tự do. Làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, chủ nghĩa dân tộc độc hại hiện nay đang làm trầm trọng hơn nữa tình trạng suy giảm kinh tế vốn là cái đã tiếp sức cho chính việc nổi lên của chủ nghĩa dân tộc.

Việc phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này - theo đó việc có thái độ bao dung hơn sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn - sẽ phụ thuộc, ít nhất một phần nào đó, vào việc làm cho vấn đề nhập cư trở nên tương thích hơn với những hình thức chủ nghĩa dân tộc mang tính hòa nhập và bao dung.

Dẫn chứng kinh tế về vấn đề này là rất rõ ràng: người nhập cư đã có những đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, người nhập cư giờ đây được cần đến hơn bao giờ hết, bởi vì việc dân số đang già đi và tỷ lệ sinh đẻ giảm xuống ở tất cả các nền kinh tế tiến tiến đang tạo ra một sự bùng nổ thế hệ người nghỉ hưu trong khi lại thiếu một đội ngũ tương đương người lao động bản địa ở độ tuổi vàng để thay thế họ.

Ví dụ, số dân ở tuổi lao động của Nhật Bản đã giảm mạnh kể từ năm 1995. Tại Liên minh châu Âu, người nhập cư chiếm tới 70% mức tăng trưởng của lực lượng lao động trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2010. Và tại Mỹ, người nhập cư là nguyên nhân chính đằng sau việc lực lượng lao động ở nước này tiếp tục tăng trưởng; nếu nước Mỹ chỉ dựa vào người lao động bản địa, thì lực lượng lao động của nước này chắc chắn sẽ giảm mạnh.

Tỷ lệ tăng trưởng tăng lên là điều có lợi cho dù phải hỗ trợ một dân số tăng lên, do những người lao động nhập cư đóng thuế là cái sẽ giúp hỗ trợ người hưởng trợ cấp và người về hưu. Nhìn chung, những quốc gia tăng trưởng nhanh có một dân số năng động và liên tục tăng lên sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với những quốc gia có dân số đang giảm mạnh, như Nhật Bản chẳng hạn.

Hơn nữa, ngoài việc mở rộng lực lượng lao động, người nhập cư thực sự giúp làm tăng GDP tính theo đầu người thông qua việc tăng năng suất lao động - tức là, khối lượng sản phẩm mà từng người lao động tạo ra. Lý do của điều này là người nhập cư có khuynh hướng là những người có đầu óc kinh doanh và thường khởi nghiệp bằng những hoạt động kinh doanh mới.

[World Cup 2018: Những sắc màu đặc biệt từ người nhập cư]

Ví dụ ở Đức, những người có hộ chiếu nước ngoài khởi sự 44% hoạt động kinh doanh mới trong năm 2015. Tại Pháp, OECD ước tính rằng số người nhập cư tham gia hoạt động kinh doanh nhiều hơn 29% so với người lao động bản xứ, tương đương với tỷ lệ trung bình chung của cả khối OECD.

Còn tại Mỹ, người nhập cư được cấp bằng sáng chế nhiều gấp 2-3 lần so với công dân sinh ra tại Mỹ, và những sáng tạo của họ cũng đem lại lợi ích cho cả những người không phải dân nhập cư.

Hiện không có nhiều nghi ngờ về việc người nhập cư đang giúp làm to ra chiếc bánh chung của mọi người; nhưng việc chiếc bánh đó được chia như thế nào liên quan đến người nhập cư lại là một chuyện cần phải bàn.

Ở đây dẫn chứng có được là ít rõ ràng hơn. Một điều chắc chắn là sẽ có người thắng và kẻ thua. Tuy nhiên, xem xét kỹ mọi khía cạnh, bằng chứng có được cho thấy rằng người nhập cư không làm giảm lương bổng của người lao động bản địa. Trên thực tế, có khả năng là người nhập cư giúp làm tăng lương bổng nói chung.

Ví dụ, một nghiên cứu gần đây về nước Pháp nhận thấy rằng cứ tăng thêm 1% việc tuyển mộ lao động nhập cư tại một địa phương nào đó sẽ giúp làm tăng lương của người lao động bản địa thêm 0,5%. Điều này có vẻ như là ngoài việc đóng góp cho việc làm tăng quy mô và năng suất lao động của lực lượng lao động, người nhập cư còn bổ sung cho kỹ năng của người lao động bản địa, giúp họ tăng thu nhập.

Chủ nghĩa dân tộc, người nhập cư và thành công kinh tế ảnh 2Bà mẹ và trẻ em nhập cư chờ sự hỗ trợ của các tình nguyện viên tại một trung tâm nhân đạo ở bang Texas, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nghề nghiệp của tôi tập trung vào lĩnh vực kinh tế, do vậy tôi thường nhấn mạnh đến vai trò của tăng trưởng. Tuy nhiên, rõ ràng tăng trưởng không phải là nhân tố duy nhất đằng sau việc nổi lên của chủ nghĩa dân tộc theo xu hướng dân túy.

Thực tế là việc các nước phát triển đang thay đổi về mặt văn hóa cũng một điều quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều. Ví dụ tại Mỹ, tỷ lệ số dân sinh ra ở nước ngoài đã tăng từ 5% vào năm 1960 lên khoảng 14% hiện nay.

Như Yascha Mounk, giảng viên khoa chính trị Đại học Harvard, ghi nhận trong cuốn sách mới của ông có tên gọi "The People vs. Democracy" (Dân chúng đối đầu với Dân chủ), thì đó là tỷ lệ cao nhất kể từ khi diễn ra phong trào phản đối người nhập cư lớn ở Mỹ: cái gọi là "hiểm họa da vàng" hồi đầu thế kỷ 20.

Những xu hướng như vậy cũng đang diễn ra tương tự, và đôi lúc thậm chí còn tỏ ra mạnh mẽ hơn, ở các nước phát triển khác. Chẳng hạn, số người sinh ra ở nước ngoài ở Thụy Điển đã tăng từ 4% vào năm 1960 lên 19% hiện nay, cho thấy một sự chuyển dịch còn lớn hơn so với ở Mỹ.

Tất cả các quốc gia đang đứng trước một sự lựa chọn trong vấn đề người nhập cư. Các nước có thể trả một cái giá về kinh tế để theo đuổi một tiến trình mang tính chất xua đuổi người nhập cư, hoặc họ có thể gặt hái những lợi ích kinh tế của việc mở rộng cửa đón chào người nhập cư hơn nữa.

Tuy nhiên, trong khi các chính sách công có thể giúp đảm bảo rằng những lợi ích của việc mở rộng cửa đón chào người nhập cư có thể trở thành hiện thực, thì chúng ta không nên nhắm mắt trước những hạn chế về chính trị và kinh tế của người nhập cư.

Ngoài những giải pháp liên quan đến chính sách, chúng ta cũng cần hình thành một kỳ vọng về văn hóa rằng người nhập cư sẽ không chỉ mang đến những cách nhìn nhận vấn đề đa dạng, mà họ còn gia nhập đất nước mới của họ với tư cách là những công dân. Điều này có nghĩa là nói được ngôn ngữ bản địa, tôn trọng truyền thống dân tộc, và - như tôi được tận mắt chứng kiến khi thảo luận nhiều vấn đề tại diễn đàn kinh tế Les Rencontres Économiques tại Aix-en-Provence, Pháp - cùng cổ vũ đội tuyển bóng đá quốc gia tham gia World Cup.

Đặc biệt ở Mỹ, chúng ta nên hướng tới việc có một cái nhìn nhận đúng về người nhập cư và chủ nghĩa dân tộc hòa hợp - bao gồm việc có được một đội tuyển bóng đá tuyệt vời hơn./.

Chủ nghĩa dân tộc, người nhập cư và thành công kinh tế ảnh 3Thành công của đội tuyển Pháp ở World Cup 2018 là ví dụ sống động cho đóng góp của người nhập cư (Nguồn: AFP/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục