Chủ nhà trọ lấn lướt bóng áo xanh tình nguyện “vây” sĩ tử

Tại nhiều điểm thi và ký túc xá Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, nhiều xe ôm, chủ nhà trọ chèo kéo thí sinh, lấn lướt cả bóng áo xanh của thanh niên tình nguyện.
Chủ nhà trọ lấn lướt bóng áo xanh tình nguyện “vây” sĩ tử ảnh 1Các tình nguyện viên đón các thí sinh và người nhà về dự thi. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngay từ ngày 6/7, thí sinh và người nhà các tỉnh đã rải rác về thành phố Hải Dương để chuẩn bị cho đợt 2 kỳ thi đại học, cao đẳng 2014.

Tại nhiều điểm thi và ký túc xá của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã diễn ra tình trạng xe ôm, chủ nhà trọ chèo kéo thí sinh, lấn lướt cả bóng áo xanh của thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi.

Ngay trước cổng trường có hai nhóm tình nguyện viên khoảng 10 sinh viên được bố trí tại hai bàn tiếp đón.

Tuy nhiên, mỗi khi thí sinh và người nhà đi xe máy (hoặc xe ôm) tới đây, lập tức các chủ nhà trọ đứng, ngồi ngay khu vực đó lao ra vây xung quanh. Họ tranh nhau quảng cáo với khách về phòng trọ của mình giá cả phải chăng, yên tĩnh, mát mẻ ưu việt hơn ký túc xá phải ở 8 người/phòng.

Thậm chí, họ còn níu áo thí sinh và người nhà, hộ tống cả người và hành lý ra tận xe máy. Nếu không cương quyết, nhiều thí sinh và người nhà chưa kịp suy nghĩ và lựa chon, đã bị cuốn theo các chiêu chèo kéo rồi theo chân chủ nhà trọ.

Trước sự hăm hở của các chủ nhà trọ, nhiều sinh viên tình nguyện cũng đành lùi bước.

Đã qua hai lần tham gia tiếp sức mùa thi, sinh viên Nguyễn Thị Nhung cho biết hiện tượng này đã xuất hiện trong những mùa thi trước. Có trường hợp, các chủ nhà trọ còn gây sự với tình nguyện viên hoặc tranh cãi nhau gay gắt để giành khách.

Mùa thi năm nay, qua hai ngày triển khai việc đón tiếp thí sinh, chưa có hiện tượng chủ trọ gây hấn, nhưng nhiều sinh viên tình nguyện hăng hái tiếp cận và tư vấn cho thí sinh đã bị các chủ trọ lườm nguýt khó chịu.

Vừa đi xe khách từ Bắc Giang xuống, rồi đi tiếp một chặng xe ôm đến cổng trường, chưa kịp tìm đến các tình nguyện viên để hỏi chỗ trọ thì hai bố con ông Nguyễn Văn Hiếu đã bị 4-5 chủ nhà trọ quây quanh, liến thoắng mời thuê phòng.

Hoa mắt, chóng mặt bởi các lời chào mời, cô con gái phải ngồi nhờ chỗ sinh viên tình nguyện, còn ông bố thì lùi vào gần cổng trường để tránh các bà chủ “tận tình.”

Thoát được vòng vây này, ông Hiếu kể: “Thấy họ nhiệt tình quá, tôi cũng ngại. Vả lại, khi đó bố con tôi chưa biết rằng trường cũng có chỗ trong ký túc cho thuê, nên cứ loanh quanh mãi ở cổng trường. Một lúc sau, có bà bán hàng nước gần đó bảo thì hai bố con mới biết mà nhờ các cháu tình nguyện viên dẫn vào làm thủ tục.”

Khác với ông Hiếu, ông Lê Hồng Trị (quê Nghệ An) đã đưa con đến khu nội trú của trường thuê chỗ ở từ chiều 6/7. Nhà ở xa nên hai bố con ông phải đi hai chặng từ Nghệ An ra Hà Nội rồi từ Hà Nội bắt xe buýt đến thành phố Hải Dương.

Chia sẻ kinh nghiệm chủ động và nhanh chóng tìm được chỗ ăn nghỉ trong chặng đường đưa con trai đi thi, ông Trị nói: “Tôi đã tìm hiểu trước và biết nhà trường có bố trí chỗ ăn, ở giá cả hợp lý cho thí sinh và người nhà, nên khi xuống bến xe buýt tại thành phố Hải Dương, các chủ trọ ùa ra chèo kéo, hai bố con tôi kiên quyết không thuê và chỉ tìm sinh viên tình nguyện hỏi lối về ký túc.”

Tại trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, một điểm thi của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, cảnh tượng các chủ trọ hăng hái ra đón sĩ tử cũng tương tự, tuy nhiên không “nhộn nhịp” bằng.

Sinh viên tình nguyện Tô Thị Ngọc Ánh cho biết trường Võ Thị Sáu cũng bố trí chỗ nghỉ cho thí sinh đi thi với mức 50.000 đồng/người và an ninh bảo đảm. Nhiều thí sinh sau khi đến tận nơi xem các phòng trọ xung quanh đã quay lại đây để thuê chỗ nghỉ của trường.

Năm nay, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tuyển sinh trên 10.600 thí sinh. Nhằm hỗ trợ công tác tuyển sinh, tạo thuận lợi cho thí sinh và người nhà đi cùng, Đoàn trường bố trí khoảng 300 tình nguyện viên tiếp sức mùa thi.

“Phương châm của chúng tôi là tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, hỗ trợ về thông tin và hướng dẫn khi người nhà và thí sinh cần giúp đỡ chứ không lôi kéo. Các chủ nhà trọ ra quảng cáo và mời khách thuê trọ là quyền của họ. Chúng tôi cũng quán triệt các sinh viên giữ thái độ tôn trọng với những chủ nhà trọ và không can thiệp vào công việc kinh doanh của họ”, Bí thư Đoàn trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Lê Quang Trung cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục