Kinh tế Mỹ rủi ro

Chủ tịch FED cảnh báo kinh tế Mỹ đứng trước rủi ro

Ông Bernanke chỉ rõ khủng hoảng nợ châu Âu và bế tắc trong chính sách tài chính ở Quốc hội Mỹ là nguy cơ đối với kinh tế Mỹ.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ ngày 17/7 một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt và cho biết các công cụ cần thiết vẫn đang được xem xét nhằm hỗ trợ và thúc đẩy đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế Mỹ.

Theo phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, chỉ rõ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và tình trạng bế tắc trong chính sách tài chính tại Quốc hội Mỹ là hai nguy cơ lớn nhất đe dọa làm chệch hướng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Ông Bernanke cho biết, FED đã bàn thảo nhiều biện pháp và hiện vẫn đang cân nhắc các phương án để, nếu cần, sẽ tung ra nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Khẳng định kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục đà phục hồi, nhưng Chủ tịch FED thừa nhận sự cải thiện của thị trường lao động trong thời gian qua vẫn “đáng thất vọng” và tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong sáu tháng đầu năm nay vẫn tương đối chậm, với quý I chỉ đạt dưới 2% so với mức tăng trưởng 2,5% của cả năm ngoái.

Một số diễn biến tích cực được Chủ tịch FED chỉ ra gồm tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức thấp có thể quản lý được do giá dầu liên tục giảm và thị trường nhà đất bắt đầu khởi sắc từ mùa Hè năm ngoái với doanh số bán các ngôi nhà mới xây có chiều hướng tăng.

Theo ông Bernanke, nhằm hỗ trợ đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế Mỹ, biện pháp hữu hiệu nhất lúc này là Quốc hội và Nhà Trắng hãy gạt bỏ bất đồng để thông qua các chính sách tài chính nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.

Chuyên gia phân tích thuộc tổ chức Capital Economics, ông Paul Ashworth cho biết, các nhà đầu tư phần nào thất vọng với những phát biểu của ông Bernanke vì họ đang hy vọng, với sự nhìn nhận không mấy lạc quan này về viễn cảnh nền kinh tế Mỹ, FED sẽ có các giải pháp hỗ trợ, trong đó có việc tung ra gói cứu trợ mới để mua lại các trái phiếu dài hạn.

Sau cuộc đại khủng hoảng 2007-2008, FED đã hai lần tung ra gói cứu trợ tổng cộng 2.300 tỷ USD để mua lại các khoản nợ liên quan tới thế chấp và trái phiếu của chính phủ.

Với những phát biểu trên đây, các chuyên gia dự báo FED vẫn tiếp tục chính sách duy trì tỷ lệ lãi suất gần như bằng 0% đến cuối năm 2014.

Nhận định trên đây của Chủ tịch FED được đưa ra một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo mới nhất dự báo GDP của Mỹ năm 2012 dự kiến chỉ tăng 2,0% và năm 2013 đạt 2,3%. Tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý I năm nay chỉ đạt 1,9% và các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng trong quý II có thể còn chậm hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục