Theo Đặc phái viên TTXVN, sáng 29/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã về tới thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia từ ngày 23-25/8 theo lời mời của Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome và thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Arab Ai Cập từ ngày 25-28/8 theo lời mời của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia và Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 23-29/8 đã thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ nội dung trao đổi giữa Chủ tịch nước và Lãnh đạo cấp cao hai nước, các văn kiện ký kết cũng như những hoạt động bên lề nhân chuyến thăm.
Chuyến thăm là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập bởi đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam thăm hai nước, với Ethiopia là sau 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/2/1976-23/2/2018) và với Ai Cập là đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/9/1963-1/9/2018).
Tại Ethiopia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng thống Mulatu Teshome, Thủ tướng Abiy Ahmed, Chủ tịch Thượng viện Keria Ibrahim.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã đi thăm Bảo tàng quốc gia Ethiopia - nơi lưu giữ nhiều di sản không chỉ của riêng Ethiopia, mà còn của cả toàn nhân loại, trong đó có nhiều phát hiện khảo cổ địa phương quý giá như những tàn tích hóa thạch đầu tiên của loài người.
Tại Ai Cập, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có các cuộc hội đàm cấp cao, hội kiến với Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, Chủ tịch Quốc hội Ali Abdel Aal, Thủ tướng Mostafa Madbouly.
Chuyến thăm diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động văn hóa và thương mại đang được tổ chức tại hai nước.
[Báo chí Ai Cập đưa đậm nét về chuyến thăm của Chủ tịch nước]
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã đến thăm thành phố Luxor - thành phố thượng nguồn ở miền Nam Ai Cập, nằm bên bờ Đông của sông Nile, nơi trước đây là thành cổ Thebes, thủ phủ của các Pharaoh ở thời kỳ đỉnh cao quyền lực ở giai đoạn thế kỷ 16-thế kỷ 11 trước Công nguyên; đi thăm quần thể Kim tự tháp Giza và tượng điêu khắc Đại nhân sư ở thủ đô Cairo - một biểu tượng của Ai Cập cổ đại.
Quần thể Kim tự tháp Giza có niên đại chừng 4500 năm, là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên cổ đại của thế giới đã được UNESCO công nhận và là kỳ quan duy nhất vẫn còn tồn tại.
Kết thúc chuyến thăm, tại cả Ethiopia và Ai Cập, hai bên đều ra Tuyên bố chung, đề ra các định hướng lớn, làm cơ sở để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương Việt Nam-Ethiopia, Việt Nam - Ai Cập trong thời gian tới.
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trọng tâm thúc đẩy trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ethiopia và Ai Cập. Cả Ethiopia và Ai Cập đều là những thị trường lớn, mỗi nước đầu có dân số khoảng 100 triệu người.
Ai Cập hiện là một trong ba nền kinh tế hàng đầu châu Phi, trong khi nền kinh tế Ethiopia cũng đang phát triển rất năng động, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới ở mức trung bình trên 10% trong suốt hơn một thập kỷ qua, được ví như “con hổ châu Phi.”
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi sâu rộng, thống nhất về những biện pháp cụ thể để biến tiềm năng thành kết quả cụ thể, trong đó tập trung vào các biện pháp khuyến khích và tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tích cực vào cuộc, tăng cường trao đổi, kết nối kinh doanh, thâm nhập thị trường của nhau, đồng thời hỗ trợ nhau mở rộng thị trường: Việt Nam hỗ trợ Ethiopia và Ai Cập tiếp cận thị trường ASEAN, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường các nước Trung Đông - châu Phi rộng lớn qua Ethiopia và Ai Cập.
Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống châu Phi. Hợp tác Việt Nam-châu Phi đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 53/55 quốc gia châu Phi, kim ngạch hai chiều đạt khoảng 6,7 tỷ USD (năm 2017), ngày càng có nhiều các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư, kinh doanh tại châu Phi, các sĩ quan Việt Nam hiện đã có mặt tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan...
iệt Nam đã 2 lần tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam-châu Phi vào các năm 2003 và 2010, thực hiện nhiều dự án hợp tác nông nghiệp và thủy sản tại châu Phi, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực cho các nước châu Phi, tiêu biểu là các dự án với Mozambique, Senegal, Benin, Cộng hòa Congo, Guinea...
Nhiều thế hệ chuyên gia của Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp đã và đang làm việc tại một số nước châu Phi, như Angola, Mozambique... góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân châu Phi.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ethiopia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm trụ sở Liên minh châu Phi và có buổi hội kiến với Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, bà Amira Elfadil Mohammed Elfadil.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề xuất một số phương hướng hợp tác giữa hai bên, khẳng định các nước đang phát triển như các nước châu Phi và Việt Nam cần phải tập hợp lại, ủng hộ lẫn nhau để tăng cường tiếng nói và vai trò tại các cơ chế đa phương, phong trào Không liên kết và trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ để triển khai hợp tác đồng bộ, quy mô lớn với khu vực cũng như để tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế cùng bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Amira Elfadil Mohammed Elfadil nhất trí sẽ nghiên cứu mô hình hợp tác hiệu quả, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, phát triển nông nghiệp, giáo dục, hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, viễn thông... vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Phi, góp phần vào phát triển và thịnh vượng ở mỗi khu vực và trên thế giới./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu