Đúng 20 giờ ngày 28/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc Đại hội đồng IPU-132 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Toàn văn như sau:
"Kính thưa Ngài Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam,
Kính thưa Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới,
Kính thưa Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới,
Kính thưa Bà Amina Mohamed, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Kính thưa các vị lãnh đạo nghị viện, các nghị sỹ,
Kính thưa các Quý Bà, Quý Ông,
Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các Quý Vị đại biểu và khách quý đến từ năm châu về tham dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam .
Quốc hội và nhân dân Việt Nam hết sức vui mừng và tự hào lần đầu tiên là nước chủ nhà đăng cai Diễn đàn quan trọng này. Sự hiện diện đông đảo của hơn 160 đoàn của các nghị viện thành viên, thành viên liên kết, quan sát viên và khách mời với hơn 1600 đại biểu thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nghị viện các nước về nội dung của kỳ họp và kỳ vọng vào sự thành công của Đại hội đồng. Chúng tôi xin cảm ơn các Quý vị.
Trong lịch sử hơn 125 năm của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), thế giới đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử, nhưng những tư tưởng lớn về hòa bình thông qua đối thoại của những người sáng lập vẫn còn nguyên giá trị của thời đại.
Với số lượng thành viên IPU tăng nhanh từ 9 nghị viện đầu tiên (năm 1889) lên 166 nghị viện thành viên ở khắp các châu lục, IPU đã thực sự trở thành một tổ chức nghị viện lớn nhất và mang tính toàn cầu, rộng rãi. Cùng với sự trưởng thành về số lượng thành viên, IPU cũng ngày càng gánh vác sứ mệnh lớn lao trong việc nói lên tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân thế giới về bảo vệ hòa bình, kiến tạo hợp tác đa phương, phát triển luật pháp quốc tế, thúc đẩy đối thoại chính trị, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới đến phát triển kinh tế, thương mại và phát triển bền vững. Chúng ta – những thành viên của IPU có quyền tự hào về những thành tựu IPU đã đạt được trong hơn thế kỷ qua.
Thưa các quý vị,
Nội dung Chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU lần này tập trung vào chủ đề: “Những mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.”
Đây là chủ đề hết sức quan trọng được IPU thảo luận vào đúng thời điểm chuẩn bị kết thúc 15 năm (2000-2015) thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và Liên hợp quốc đang thảo luận để chuẩn bị thông qua một Chương trình nghị sự về phát triển cho giai đoạn sau 2015.
Tại kỳ họp của Đại hội đồng lần này, chúng ta có trách nhiệm trao đổi kỹ về những vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến những lời nói thành hành động,” thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và chúng ta sẽ đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thông qua việc thể chế hóa bằng luật pháp, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực của xã hội và người dân, huy động nguồn lực, ngân sách, tài chính và kỹ thuật cho việc thực hiện, giám sát hiệu quả các nội dung của SDGs.
Bên cạnh đó, Đại hội đồng sẽ dành thời gian thảo luận nhiều chủ đề quan trọng về vai trò của nghị viện trong các vấn đề an ninh mạng, hình thành cơ chế mới về quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên hợp quốc, nhân quyền của nghị sỹ; chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS …
Đại hội đồng diễn ra vào đúng kỷ niệm 70 thành lập Liên hợp quốc, 30 năm thành lập Hội nghị các nữ nghị sỹ, 25 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em và 20 năm Tuyên bố về Chương trình hành động Bắc Kinh… Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta trao đổi sâu hơn về vai trò của Quốc hội và Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những lĩnh vực quan trọng này.
Tôi tin tưởng rằng Đại Hội đồng sẽ hoàn thành tốt đẹp các Chương trình Nghị sự đã đặt ra và thống nhất cao để đưa ra “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội”, thể hiện các vấn đề lớn được trao đổi và thể hiện những cam kết của IPU và các nghị viện thành viên đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển sau năm 2015. Văn kiện quan trọng này sẽ được trình Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015. Tuyên bố Hà nội với thông điệp rõ ràng về vai trò của Nghị viện đối với thực hiện Chương trình phát triển sau 2015 sẽ là đóng góp thiết thực của chúng ta đối với giai đoạn phát triển mới của cộng đồng quốc tế.
Thưa các Quý Bà, Quý Ông,
Hôm nay, Quốc hội Việt Nam rất vui mừng được đón các vị tại Tòa nhà Quốc hội mới, liền kề với khu di tích Hoàng thành Thăng Long có hàng nghìn năm lịch sử và nhìn ra Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử cách đây đúng 70 năm vào tháng 9 năm 1945, tuyên bố với thế giới một nước Việt Nam độc lập đã ra đời.
Với tư tưởng yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, hội nhập quốc tế và ý thức được vai trò của IPU, ngay từ sau khi lập lại hòa bình ở Đông Dương (1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội Việt Nam đã đề xuất gia nhập IPU.
Trong 70 năm qua, thấm nhuần tư tưởng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước và nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, ngày nay không ngừng đổi mới, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua bao khó khăn, ngày nay Việt Nam nhất quán thi hành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Thực hiện trọng trách tổ chức Đại hội đồng 132, Quốc hội Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt cho sự kiện ngoại giao nghị viện lớn nhất hành tinh này.
Bên cạnh chương trình chính thức của Đại hội đồng, chúng tôi cũng mong các vị dành thời gian tham dự các chương trình văn hóa nghệ thuật, tham quan để cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam, về tình cảm thân thiện và lòng mến khách của người dân Việt Nam.
Thưa các Quý Vị,
Với những tư tưởng lớn về hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bác ái từ xuyên suốt hơn 125 năm lịch sử IPU, với nội dung làm việc phong phú và thiết thực, kinh nghiệm và tâm huyết của các quý vị đại biểu và khách quý, tinh thần hợp tác và nỗ lực chung, tôi tin tưởng Đại hội đồng IPU-132 sẽ thành công tốt đẹp. Với tinh thần đó, tôi trân trọng tuyên bố khai mạc Đại hội đồng IPU-132.
Xin chân thành cảm ơn"./.