Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Thái Lan

Ngày 23/12, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-Cha.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Thái Lan ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-Cha. (Nguồn: NEWS.CN)

Theo Tân Hoa xã, ngày 23/12, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-Cha.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng hai nước cần kiên trì thông cảm và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích quan trọng của nhau; mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ để tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Thái Lan ngày càng bền chặt.

Trung Quốc sẵn sàng cùng Thái Lan chung tay xây dựng cộng đồng vận mệnh Trung Quốc-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gắn bó hơn.

Theo Thủ tướng Prayuth, Thái Lan đang dốc sức cải cách và phát triển, mong tham khảo kinh nghiệm thành công của Trung Quốc, phát triển quan hệ Thái Lan-Trung Quốc ngày càng gắn bó hơn.

Cùng ngày 24/12, Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này và Thái Lan đã nhất trí tăng cường hợp tác chống nhập cư trái phép và khủng bố trong bối cảnh Bangkok đang phải đối phó với dòng người tị nạn Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương tràn sang.

Trong thông cáo chung do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-Cha, bộ quốc phòng hai nước đã tổ chức đối thoại an ninh và quốc phòng, theo đó nhất trí tăng cường hợp tác "ngăn chặn và loại bỏ nạn nhập cư bất hợp pháp, buôn ma túy, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia."

Thông cáo cũng nêu rõ: "Phía Thái Lan cho rằng Trung Quốc có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các nước trong khu vực thông qua những đóng góp trong các lĩnh vực như y tế, chống buôn bán ma túy và buôn người."

Thái Lan cho biết khoảng 200 người được cảnh sát nước này giải cứu từ một trại buôn người hồi tháng 3 được xác định là người Duy Ngô Nhĩ. Những người này có thái độ bất mãn với việc Chính phủ Trung Quốc chèn ép văn hóa và đạo Hồi của họ.

Những nhóm nhỏ người tị nạn Duy Ngô Nhĩ đã bắt đầu rời Trung Quốc tới khu vực Đông Nam Á bằng cách vượt biên qua Lào hoặc Myanmar bằng đường bộ, rồi từ đó tìm đường sang Thái Lan hoặc các nơi khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục