Chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm mùa Noel, Tết

Cuối năm là giai đoạn tập trung sản xuất thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, cao điểm về sản xuất và tiêu dùng thực phẩm. Do đó, các địa phương cần chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm mùa Noel, Tết ảnh 1Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các mặt hàng thực phẩm được bày bán tại siêu thị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đồng bộ với việc thực hiện “Kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo nội dung văn bản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng nêu rõ, các tháng cuối năm là giai đoạn tập trung sản xuất thực phẩm phục vụ xuất khẩu mùa Noel và Tết Dương lịch, cao điểm về sản xuất và tiêu dùng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Do đó, các địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong đó chú trọng thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với phạm vi được phân công trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an (PC49, PA86) tổ chức trinh sát, điều tra, thu thập thông tin, phát hiện đường dây, hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không đúng quy định; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; bơm chích tạp chất vào tôm, thu gom, vận chuyển, chế biến thủy sản có chứa tạp chất. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, công khai cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch và hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản thực phẩm an toàn. Đồng thời có chính sách hỗ trợ thúc đẩy các đơn vị áp dụng rộng rãi thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GMP), phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).

Qua đó, mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn kết hợp với giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn. Tổ chức kết nối doanh nghiệp thương mại với cơ sở sản xuất nông sản, phát triển mô hình liên kết sản xuất chuỗi thực phấm an toàn. Thông tin, quảng bá về các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, giới thiệu cho người dân địa chỉ nơi bán sản phẩm an toàn có xác nhận.

"Các địa phương cũng cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý." Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục