Chưa hoàn thành đề án lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà

Khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở là do khung pháp lý chưa hoàn thiện.
Chưa hoàn thành đề án lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đề án thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở là một trong những nội dung liên quan đến việc hoàn thiện thể chế về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đang được khẩn trương hoàn thiện.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Đề án nghiên cứu thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở (MRA) đang được nghiên cứu với sự tham gia của hai đơn vị là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mặc dù Ban chỉ đạo và Tổ biên soạn xây dựng hoàn thiện Đề án thành lập Cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở (MRA) được Ngân hàng Nhà nước thành lập từ tháng 9/2013 những đến nay đề án vẫn đang dừng ở bước tổng hợp ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo.

Tổ chức này sẽ sử dụng nguồn vốn của mình để cho các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay mua nhà ở theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định của Ngân hàng Nhà nước vay lại.

Mục đích là tạo nguồn vốn trung dài hạn cho các tổ chức tín dụng đối với khoản cho vay bất động sản, có thể khách hàng là chủ đầu tư hoặc người mua nhà. Nguồn lực của MRA có thể huy động từ các tổ chức tài chính, quỹ... , mua lại dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại để tạo dòng vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản.

Khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án thành lập MRA được Ngân hàng Nhà nước nhận định do MRA là mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó cần hoàn thiện khung pháp lý, căn cứ triển khai để tạo cơ sở triển khai mô hình MRA tại Việt Nam.

Mặt khác, nguồn vốn hoạt động của MRA bao gồm Ngân hàng Nhà nước cấp 3.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu vẫn chưa cụ thể, rõ ràng và thiếu tính khả thi…

Bên cạnh đó, một chính sách mới liên quan đến thị trường bất động sản cũng đang được chờ đón, đó là Thông tư liên Bộ (Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước) về hướng dẫn thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Thông tư này vẫn đang chờ cơ quan chuyên môn thống nhất lần cuối và sẽ sớm ban hành. Thông tư này ra đời sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giải ngân tốt hơn và người dân cũng dễ dàng thu xếp vốn mua nhà bởi đã có tài sản đảm bảo được thế chấp khi đi vay ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục