Chưa thống nhất được mức giá thuê cột điện

Việc tăng giá thuê cột điện đối với các doanh nghiệp là hợp lý vì giá này vẫn còn rẻ so với việc phải tự bỏ tiền ra đầu tư hệ thống cột dành riêng cho hệ thống cáp viễn thông. Ngay cả khách hàng lớn nhất là Tập đoàn bưu chính viễn thông, tại mỗi tỉnh thành cũng chỉ phải trả 1 tỷ đồng/năm”.

Việc tăng giá thuê cột điện đối với các doanh nghiệp là hợp lý vì giá này vẫn còn rẻ so với việc phải tự bỏ tiền ra đầu tư hệ thống cột dành riêng cho hệ thống cáp viễn thông. Ngay cả khách hàng lớn nhất là Tập đoàn bưu chính viễn thông, tại mỗi tỉnh thành cũng chỉ phải trả 1 tỷ đồng/năm”.
 
Đại diện Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố thông tin trên với giới truyền thông trong buổi họp báo ngày 3/4 tại thành phố Hồ Chí Minh để giải thích về việc các doanh nghiệp viễn thông đang phản ánh, thậm chí tranh cãi quyết liệt về giá thuê cột điện theo mức mới được EVN áp dụng trong năm 2009.
 
Nói về quan điểm của ngành điện với vai trò là chủ của gần 1 triệu cột điện trên toàn quốc, hiện đang phải cho các doanh nghiệp viễn thông thuê để treo mắc hệ thống cáp viễn thông, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Ban viễn thông và công nghệ thông tin của EVN cho rằng cột điện được xây dựng để phục vụ truyền tải, cung cấp điện cho xã hội chứ không phải để cho thuê treo cáp thông tin. Do đó, việc tăng phí cho thuê cột điện chỉ là nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hạ tầng của ngành điện.
 
Trước tháng 3/2009, mức phí này chỉ là tượng trưng (khoảng 5.000 đồng/cột/tháng), nên xuất hiện tình trạng căng mắc vô tội vạ các loại cáp viễn thông trên đỉnh cột điện tại các thành phố lớn. Vì thiếu biện pháp kiên quyết ngay từ đầu nên cảnh “mạng nhện cáp viễn thông” đã giăng đầy khắp đường phố, tác động đến việc đảm bảo an toàn truyền tài điện. Đây là lỗi do lịch sử để lại.
 
Không đồng ý với lời giải thích “nặng về quá khứ này”, phóng viên các báo đề cập đến vấn đề tăng giá thuê thì có hết cảnh mạng nhện đô thị không? Một số phóng viên còn nghi ngờ về khả năng quản lý của ngành điện vì thực tế đã chứng minh khi bó dây cáp viễn thông to dần, đã có cột điện gãy đổ.
 
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lý do không có doanh nghiệp viễn thông nào đáp ứng đúng tiêu chuẩn của ngành về bố trí mạng lưới cáp viễn thông. Đây cũng là tồn tại do giai đoạn trước buông lỏng quản lý. Tuy thế, ông Hà cũng lưu ý EVN về chất lượng cột điện vì nhiều khi chính sự lùng nhùng của các loại cáp điện lại giữ cho nhiều cột điện không bị gãy ngang.
 
Để khắc phục, ông Lê Mạnh Hà cho rằng theo nguyên tắc phải ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Nhưng trên địa bàn thành phố đã có quá nhiều công trình ngầm đang thi công kéo dài. Nếu đào tung thành phố lên để ngầm hóa mạng lưới dây cáp điện thì mất cả trăm năm cũng chưa chắc đã ổn.
 
Dẫn chứng về việc trong năm 2008, thành viên của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), là công ty điện thoại Đông-Tây Thành phố Hồ Chí Minh thu được 3.000 tỷ đồng doanh thu, nhưng chỉ phải chi 3 tỷ đồng thuê cột điện, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Ban viễn thông và công nghệ thông tin, đã chứng minh hùng hồn rằng mức giá mới mà EVN đề nghị các doanh nghiệp viễn thông chấp nhận là hợp lý.
 
Cụ thể hơn, ông Lâm còn cho biết ngay cả VNPT, năm 2008, đã đạt lãi ròng hơn 12.000 tỷ đồng, với tổng doanh thu hơn 55.000 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí mà VNPT phải bỏ ra để thuê cột điện của EVN trên phạm vi cả nước chỉ khoảng 67 tỷ đồng.
 
Căn cứ, trên những thông tin này, đại diện EVN đề nghị các doanh nghiệp viễn thông cần nhìn thẳng vào sự thật để hiểu đúng bản chất giá thuê cột điện mà EVN đưa ra cao hay thấp? Không nên cứ “kêu rên” trên báo chí là EVN tự ý nâng giá thuê cột điện hay viện vào lý do không được mắc cáp viễn thông sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân để trì hoãn trách nhiệm phải trả phí tương ứng với quyền lợi mà mình được thụ hưởng. Số tiền thu được, EVN sẽ đầu tư, bảo dưỡng hệ thống cột điện theo đúng quy định tài chính hiện hành.
 
Nói về việc tranh cãi giữa chủ các đường dây viễn thông và ngành điện tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số lượng thuê bao viễn thông cao nhất nước, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty điện lực thành phố, cho biết từ năm 2003 đến nay, công ty đã ký 26 hợp đồng cho thuê cột điện với 15 doanh nghiệp viễn thông. Tính bình quân, mỗi cột điện, công ty thu được 16.500 đồng/tháng.
 
Hiện nay, Công ty điện lực thành phố vẫn phải chờ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp để thống nhất hướng giải quyết vì sau khi biết được EVN tăng giá thuê cột điện lên 8 lần, các doanh nghiệp này đã không đến làm việc để ký hợp đồng mới. Dự kiến nếu trong tháng 4/2009, các doanh nghiệp không chấp hành thì công ty sẽ báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
 
Trong khi đó, đại diện các báo của thành phố vẫn đề nghị EVN trả lời rõ hơn là nếu sau tháng 4/2009, các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa thống nhất với mức thu phí thuê cột điện mới thì số phận của riêng 8 triệu thuê bao điện thoại cố định, cùng hàng trăm ngàn thuê bao internet, truyền hình cáp tại thành phố sẽ ra sao.
 
Vì không nhận được câu trả lời thỏa đáng nên buổi họp báo đã kết thúc với đề xuất của đại diện các cơ quan truyền thông là EVN nên mời các doanh nghiệp viễn thông cùng báo chí cùng tham gia một buổi thảo luận công khai để làm rõ những vấn đề liên quan nhằm tìm ra giải pháp ổn thỏa, cùng vì lợi ích chung/.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục