Chứng khoán châu Á bứt lên nhờ thông tin tích cực

Chứng khoán châu Á có động lực đi lên trong phiên giao dịch ngày 28/11, khi có nhiều thông tin IMF cân nhắc kế hoạch cứu trợ Italy...
Các thị trường chứng khoán châu Á có được động lực đi lên trong phiên giao dịch ngày 28/11, khi có nhiều thông tin tích cực như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang cân nhắc về kế hoạch cứu trợ Italy, còn Đức và Pháp đang thảo luận về kế hoạch đẩy nhanh quá trình hội nhập ở khu vực đồng euro (Eurozone) và các số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ đạt kỷ lục trong ngày "thứ Sáu đen."

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng hơn 2%, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 trong phiên giao dịch cuối tuần trước, đánh dấu tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 38,88 điểm, hay 2,19%, lên 1.815,28 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 347,7 điểm, hay 1,97%, lên 18.037,18 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 73,9 điểm, hay 1,85%, lên 4.058,2 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 114,26 điểm, hay 1,68%, lên 6.898,78 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 127,48 điểm, hay 1,56%, lên 8.287,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 2,81 điểm, hay 0,12%, lên 2.383,03 điểm.

Tờ La Stampa của Italy cuối tuần qua đưa tin IMF có thể cấp số tiền lên tới 800 tỷ USD để giúp Italy thanh toán số nợ khổng lồ. Khoản tiền mặt này sẽ cho Thủ tướng Mario Monti 12-18 tháng để thực thi các cải cách khẩn cấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và cắt giảm ngân sách.

IMF sẽ bảo đảm lãi suất ở mức 4-5% đối với khoản vay, mức thấp hơn nhiều so với con số 7% mà Italy phải trả khi vay mượn trên các thị trường thương mại.

Tuy nhiên, người phát ngôn của IMF ngày 28/11 nói thiết chế này chưa có các đàm phán với Chính phủ Italy về kế hoạch cứu trợ. Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng với nguồn tài chính hiện nay là 385,5 tỷ USD, IMF sẽ không đủ khả năng cấp một khoản vay lớn như vậy.

Trong khi đó, một bài báo khác nói rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang cân nhắc về một hiệp ước ổn định mới mà theo đó Eurozone sẽ chỉ gồm một số ít thành viên hơn so với hiện nay.

Cuối tuần qua, lãnh đạo hai cường quốc châu Âu này đã thảo luận về các cách thức đặt ra ra các kiểm soát ngân sách ngặt nghèo hơn đối với các nước Eurozone thông qua một thỏa thuận khu vực hoặc một thỏa thuận tách biệt với hiệp ước ổn định và tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU), liên quan đến 8-10 nước.

Những sửa đổi luật này nhằm buộc các nước sử dụng đồng tiền chung euro tuân thủ các quy định khắt khe hơn về kỷ luật ngân sách và những trừng phạt nghiêm khắc đối với những nước vi phạm. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đề xuất kế hoạch trên trước khi hội nghị thượng đỉnh của EU diễn ra ngày 9/12.

Một yếu tố khác cũng khích lệ các nhà đầu tư là những hy vọng về việc châu Âu sẽ tiến hành những bước đi cụ thể nhằm hoạt hóa Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF). Các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhóm họp vào ngày 29/11 để bàn về việc thông qua các quy định cụ thể trong hoạt động của quỹ này, nhằm mở đường cho việc huy động tiền mặt từ các nhà đầu tư.

Những thông tin trên đã góp phần làm giảm bớt căng thẳng trên các thị trường vốn đã bị xáo trộn trong những tuần gần đây, do lo ngại về sự sụp đổ của Eurozone, khi Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha đang oằn mình dưới những núi nợ lớn.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng thêm lạc quan khi số liệu từ Mỹ cho thấy người dân nước này đã chi một số tiền kỷ lục là 52,4 tỷ USD trong dịp nghỉ lễ cuối tuần trước, tăng 16% so với năm ngoái./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục