Chứng khoán vẫn tăng

Chứng khoán châu Á đảo chiều song vẫn tăng mạnh

Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á có gần trọn một tháng tăng điểm do niềm tin triển vọng tích cực của kinh tế thế giới.
Sau phiên đỏ sàn hôm trước trên các thị trường chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á phiên giao dịch ngày 31/1 đã tăng giảm trái chiều, phần lớn giảm vào đầu phiên và lấy lại phần nào đã mất vào cuối phiên.

Nguyên nhân của sự tăng giảm trái chiều này chủ yếu là từ số liệu đáng thất vọng về tăng trưởng kinh tế quý 4/2012 của Mỹ, được công bố vào hôm trước, cũng là nhân tố kéo Phố Wall và chứng khoán châu Âu quay đầu đi xuống trong phiên 30/1.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế Mỹ quý 4/2012 đã bất ngờ suy giảm 0,1%, lần suy giảm đầu tiên sau 13 quý liên tiếp tăng trưởng trước đó và ngược hẳn với dự báo của giới phân tích là tăng 1,0%.

Dù biến động trái chiều trong phiên cuối cùng của tháng Một, song phần lớn các thị trường trong khu vực đã có gần trọn một tháng tăng điểm do niềm tin vào triển vọng tích cực của kinh tế thế giới.

Trong khi đó, giới đầu tư lại đón nhận một thông tin tích cực đến từ Nhật Bản.

Theo đó số liệu chính thức của chính phủ cho biết sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong tháng 12/2012 đã tăng mạnh 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể đã ra khỏi thời kỳ giảm đáy.

Đóng cửa phiên 31/1, trong số các thị trường tăng điểm có Nhật Bản với Nikkei 225 ghi thêm 0,22% (24,71 điểm) lên 11.138,66 điểm; Trung Quốc với chỉ số Shanghai Composite tăng 0,12% (2,95 điểm) lên 2.385,42 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc đã tăng được 22,4% kể từ ngày 4/12/2012 tới nay và xu hướng tăng này có thể sẽ còn kéo dài do nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng tích cực của kinh tế Trung Quốc.

Weighted của Đài Loan cũng tăng được 0,22% (17,04 điểm) lên 7.850,02 điểm.

Các thị trường giảm điểm có Hàn Quốc, Australia và Hong Kong, trong đó Hang Seng của Hong Kong để mất 0,39% (92,53 điểm) xuống 23.429,53 điểm.

Phiên trước, chỉ số này đã tăng lên mức cao nhất 21 tháng qua, và mặc dù mất điểm trong phiên cuối cùng của tháng Một, song chốt lại cả tháng này, Hang Seng vẫn tăng được thêm 5%.

Đêm trước (30/1) tại Mỹ, Phố Wall đóng cửa trong màu đỏ mất điểm sau số liệu không được như kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2012 của Mỹ, cùng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

Ngay trước khi mở cửa phiên giao dịch, thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 4/2012 đã bất ngờ suy giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý suy giảm đầu tiên trong 13 quý liên tiếp.

Thông tin này khiến cả thị trường "trùng" xuống và các cổ phiếu để mất giá ngay từ đầu phiên. Vài tiếng sau, nhà đầu tư lại bị "bồi" thêm một thông tin đáng buồn nữa khi FED khép lại cuộc họp hai ngày với quyết định giữ nguyên chính sách hiện hành do cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn còn khá mong manh.

Tuy nhiên, trong cả năm 2012, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tăng trưởng được 2,2%, so với mức tăng 1,8% của năm 2011.

Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average để mất 44,77 điểm (0,32%) xuống 13.909,65 điểm; S&P 500 trượt 5,95 điểm (0,39%) về 1.501,89 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 10,94 điểm (0,35%) xuống 3.142,72 điểm.

Cùng ngày tại châu Âu, chứng khoán khu vực cũng phần lớn đỏ sàn khi đón nhận chỉ số tăng trưởng GDP kém cỏi bất ngờ của nền kinh tế Mỹ, bất chấp một vài số liệu khá sáng sủa từ nền kinh tế khu vực Eurozone, trong đó chỉ số niềm tin của khu vực này trong tháng 1/2013 đã tăng tháng thứ ba liên tiếp lên 89,2 - bằng với mức tháng 6/2012 và tăng lên so với mức 87,8 của tháng 12/2012)

Đóng cửa phiên 30/1, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều mất điểm, trong đó FTSE 100 của Anh trượt 0,25% xuống 6.323,11 điểm; DAX 30 của Đức lùi 0,47% về 7.811,31 điểm và CAC 40 của Pháp mất 0,54% xuống 3.765,52 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục