Chứng khoán châu Á giảm trước thông tin việc làm Mỹ

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động bất nhất và đồng USD đảo chiều mất giá sau khi đón nhận báo cáo việc làm mờ nhạt của Mỹ.
Mặc dù chứng kiến diễn biến tích cực của Phố Wall trong phiên trước, song các thị trường chứng khoán châu Á vẫn tiếp tục biến động bất nhất và đồng USD thì đảo chiều mất giá trong phiên giao dịch chiều 23/10, sau khi đón nhận báo cáo việc làm mờ nhạt của Mỹ, làm dấy lên đồn đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chương trình kích thích kinh tế hiện hành.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 287,20 điểm, tương đương 1,95%, xuống 14.426,05 điểm.

Sự đi lên mạnh mẽ của đồng yen trong phiên này đã tác động xấu tới các nhà xuất khẩu tại "Xứ sở hoa Anh đào", do đó đẩy thị trường cổ phiếu "đỏ sàn". Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng mất 17 điểm (0,32%), xuống 5.356,1 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 20,37 điểm (0,99%), đóng cửa ở mức 2.035,75 điểm.

Hòa theo xu hướng trên, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong cũng đua nhau giảm điểm, do sự hoài nghi vào "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau báo cáo việc làm gây thất vọng trong tháng 9/2013, cũng như việc các mã cổ phiếu thuộc nhóm truyền thông và công nghệ thông tin tiếp tục kéo dài đà mất giá từ phiên trước.

Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt giảm 27,54 điểm (1,25%) và 316,04 điểm (1,36%), xuống còn 2.183,11 điểm và 22.999,95 điểm.

Tuy nhiên, các sàn giao dịch chứng khoán tại các thị trường mới nổi như Indonesia, Philippines và Malaysia lại đồng loạt đi lên, nhờ những hy vọng rằng Fed sẽ duy trì chương trình nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế đang phục hồi mong manh, qua đó tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi.

Đóng cửa phiên, các thị trường chứng khoán Jakarta, Manila, và Kuala Lumpur lần lượt tăng 0,87%, 0,53% và 0,67%.

Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 9/2013, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo ra 148.000 việc làm, "nhỉnh" hơn chút ít so với mức trung bình của quý 3/2013, song lại thấp hơn số việc làm trung bình được tạo ra trong nửa đầu năm nay là 195.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm nhẹ từ mức 7,3% của tháng Tám xuống 7,2%.

Việc làm được gia tăng chủ yếu trong bốn lĩnh vực xây dựng, bán buôn, giao thông, bốc xếp hàng hóa.

Báo cáo việc làm này được thống kê vào thời điểm trước khi Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa trong 16 ngày, làm nền kinh tế thiệt hại khoảng 24 tỷ USD. Báo cáo  được dự kiến công bố vào ngày 4/10 song đã bị trì hoãn do những tranh cãi về ngân sách tại Mỹ.

Báo cáo việc làm trong tháng 10/2013 dự kiến công bố ngày 8/11 tới, được cho là sẽ phản ánh rõ hơn tác động của cuộc chiến ngân sách đối với nền kinh tế Mỹ.

Đêm trước (ngày 22/10), các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt chuyển "sắc xanh," trái ngược với diễn biến ảm đạm của phiên đầu tuần, nhờ các kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2013 của khối doanh nghiệp Mỹ, bất chấp số liệu việc làm tháng 9/2013 thấp hơn dự kiến vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, cho thấy nhiều khả năng Fed sẽ chưa vội rút lại các chương trình kích thích kinh tế hiện hành.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 75,46 điểm, tương đương 0,49%, lên 15.467,66 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 10,01 điểm (0,57%), lên 1.754,67 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 9,52 điểm (0,24%), đóng cửa ở mức 3.929,57 điểm.

Báo cáo lợi nhuận khả quan của một số doanh nghiệp chính là động lực thúc đẩy đà tăng của Phố Wall trong phiên giao dịch này, sau khi giới đầu tư tỏ ra khá thất vọng về số liệu việc làm của Mỹ trong tháng 9/2013.

Con số này khiến nhiều nhà đầu tư càng thêm tin rằng Fed sẽ không sớm rút lại chương trình thu mua trái phiếu hiện có trị giá 85 tỷ USD/tháng nhằm kích thích nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's, Mark Zandi cho rằng tăng trưởng việc làm chậm của Mỹ có thể do việc tăng thuế kể từ ngày 1/1/2013 cộng với cắt giảm chi tiêu theo kế hoạch cắt giảm ngân sách tự động. Tuy nhiên, ông cho rằng ở thời điểm hiện tại các tranh cãi về tài khóa có ảnh hưởng lớn nhất đối với thị trường việc làm của Mỹ.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đảo chiều đi lên, nhờ những dấu hiệu chứng tỏ Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách kích thích kinh tế hiện hành.

Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,62%, lên 6.695,66 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng 0,43%, đóng cửa ở mức 4.295,43 điểm, sau khi có lúc chạm ngưỡng 4.300 điểm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008.

Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cộng thêm 0,90%, leo lên mức cao kỷ lục mới là 8.947,46 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục