Chứng khoán châu Á lại chứng kiến một phiên lao dốc

Các thị trường chứng khoán châu Á lại chứng kiến một phiên lao dốc trong ngày 20/1 bởi những lo ngại về tình trạng sụt giảm của giá dầu và tình hình kinh tế toàn cầu.
Chứng khoán châu Á lại chứng kiến một phiên lao dốc ảnh 1Bảng niêm yết các chỉ số chứng khoán ở thị trường chứng khoán Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán châu Á lại chứng kiến một phiên lao dốc trong ngày 20/1, khi đà phục hồi phiên trước nhờ động lực đến từ Trung Quốc đã bị đẩy lùi bởi những lo ngại về tình trạng sụt giảm của giá dầu và tình hình kinh tế toàn cầu.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,71%, hay 632,18 điểm, xuống 16.416,19 điểm, mức chốt phiên thấp nhất trong gần 15 tháng.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,82%, hay 749,51 điểm, xuống 18.886,3 điểm, mức thấp nhất trong gần bốn năm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,03%, hay 31,05 điểm, xuống 2.976,69 điểm, trong khi đã giảm 15% kể từ đầu năm nay. Chỉ số ASX/S&P 200 của Australia để mất 1,3%, xuống 4.841,5 điểm, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,3%, xuống 1.846,41 điểm.

Tin nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng đúng như dự đoán trong năm ngoái đã tạo đà đi lên của các thị trường chứng khoán trong phiên 19/1.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng năm 2015 của kinh tế Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 25 năm, thị trường hy vọng rằng các nhà lãnh đạo nước này sẽ khởi động một đợt kích thích mới, nhờ đó các thị trường Âu, Á được đẩy lên.

Tuy nhiên, hy vọng đó đã phải nhường chỗ cho thực tế là giá dầu hiện ở mức thấp nhất trong hơn 12 năm và tình trạng dư cung có thể sẽ tiếp tục. Tâm lý đầu tư trở nên tiêu cực hơn do cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng thị trường có thể thêm dư cung khi Iran thoát khỏi nhiều năm bị trừng phạt, khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu.

Các thị trường chứng khoán khu vực đã rơi theo thị trường dầu mỏ và "chìm" cùng với những lo ngại về kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 10/2015 xuống 3,4%.

Sức tăng GDP của các nền kinh tế đang phát triển cũng được điều chỉnh hạ từ 4,5% xuống 4,3%. Động thái này của IMF gây thêm tâm lý bi quan trên các sàn giao dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục