Chứng khoán châu Á tụt dốc phiên giao dịch đầu tuần

Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch 7/1, khi đà phục hồi mạnh mẽ vào tuần trước đã dẫn tới làn sóng chốt lời.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 7/1, khi đà phục hồi mạnh mẽ vào tuần trước đã dẫn tới làn sóng chốt lời.
 
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2011 trong phiên giao dịch ngày 3/1. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,34 điểm, hay 0,01%, xuống 23.329,75 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,69 điểm, hay 0,03%, xuống 2.011,25 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 6,5 điểm, hay 0,14%, xuống 4.717,3 điểm.

Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 50,9 điểm, hay 0,65%, xuống 7.755,09 điểm. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản chốt phiên giảm 89,1 điểm, hay 0,83%, xuống 10.599,01 điểm, sau khi tăng 2,82% trong phiên cuối tuần trước, lên mức cao nhất kể từ trước khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Riêng chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 8,37 điểm, hay 0,37%, lên 2.285,36 điểm.

Chỉ số chứng khoán của lĩnh vực tài chính ổn định sau quyết định của các nhà giám sát lĩnh vực ngân hàng cuối tuần qua, theo đó cho phép các ngân hàng linh hoạt hơn trong vấn đề dự trữ tiền mặt để có thể sử dụng một phần nguồn dự trữ vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cổ phiếu của HSBC Holdings Hong Kong tăng 1%, trong khi của Banking Group Ltd Australia và New Zealand tăng 0,6%.

Trong khi đó, sự sụt giảm của lĩnh vực tài nguyên đã kéo chứng khoán Australia xuống, còn cổ phiếu của các hãng sản xuất màn hình tinh thể lỏng của Đài Loan và Hàn Quốc cũng giảm do các hãng này tuần trước bị Trung Quốc phạt khi ấn định giá.

Các nhà giao dịch bán ra chốt lời sau khi cổ phiếu ào ào lên giá vào tuần trước nhờ Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận vào phút chót để tránh việc phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế vốn được biết đến với tên gọi "vách đá tài chính." Thỏa thuận này đã khích lệ nhà đầu tư tại thị trường Hong Kong, Australia cũng như các thị trường khác, trong khi thị trường Nhật Bản còn nhận được lực đẩy từ việc đồng yên trượt giá so với đồng USD. Các nhà phân tích cho rằng các thị trường đang bước vào giai đoạn ổn định sau khi hầu hết đều tăng mạnh lên các mức kỷ lục của một năm.

Trong khi đó, yếu tố hỗ trợ hoạt động mua vào là những số liệu của Mỹ được công bố vào cuối tuần trước. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 155.000 việc làm trong tháng 12 vừa qua, một con số dù không lớn và đúng như dự đoán song cũng đã tiếp thêm sự tin tưởng vào đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Số liệu việc làm đã chứng tỏ rằng các doanh nghiệp vẫn thuê thêm nhân công giữa lúc các cuộc tranh luận căng thẳng về ngân sách đang diễn ra. Thêm vào đó, chỉ số quản lý nguồn cung (ISM) trong lĩnh vực chế tạo cũng đã bất ngờ tăng trong tháng trước, với mức tăng cao nhất trong 10 tháng.

Những số liệu kinh tế tích cực trên đã kéo phố Wall đi lên trong phiên cuối tuần trước, với chỉ số Dow Jones chốt phiên tăng 0,33%, lên 13.435,21 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 0,04%, lên 3.101,66 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng tới 0,49%, lên mức cao nhất kể từ ngày 31/12/2007 là 1.466,47 điểm./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục