Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng điểm tốt nhất

Chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại tuần qua, ghi nhận tuần tăng điểm tốt nhất từ tháng 12/2011, bất chấp lo ngại  khủng hoảng nợ châu Âu.
Sau khi trải qua 5 tuần giảm điểm liên tiếp, chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trở lại trong tuần qua với sức bật tăng mạnh mẽ của phiên giao dịch cuối tuần (8/6), bất chấp những dấu hiệu đáng lo ngại về tình hình khủng hoảng nợ tại châu Âu và các số liệu kinh tế nghèo nàn của Mỹ.

Đầu tuần (4/6), các chỉ số chứng khoán Phố Wall trồi sụt thất thường trước sự bế tắc của châu Âu trong việc tìm ra lời giải cho bài toán nợ công vốn đã kéo dài hơn 2 năm qua của Khu vực đồng tiền chung (Eurozone), cũng như việc thiếu những hướng đi cụ thể nhằm cứu hệ thống ngân hàng yếu kém của Tây Ban Nha thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Thêm vào đó, báo cáo cho hay số đơn đặt hàng sản xuất của Mỹ trong tháng 4/2012 đã giảm 0,6%, đánh dấu tháng giảm thứ ba trong vòng bốn tháng gần đây (trong khi giới phân tích dự báo tăng 0,2%), càng khiến thị trường cổ phiếu trở nên ảm đạm và làm chỉ số Dow Jones mất điểm phiên thứ 4 liên tiếp.

Tuy nhiên, ngay phiên sau đó, chứng khoán Mỹ đã thoát khỏi đà “lao dốc” và đảo chiều đi lên, khi giới đầu tư đón nhận những số liệu tích cực trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, dù cho sức tăng vẫn còn bị hạn chế bởi những lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng tại Eurozone, nhất là khi cuộc hội đàm khẩn cấp qua điện thoại giữa các bộ trưởng tài chính Nhóm bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G-7) không đem lại kết quả như kỳ vọng.

Đà tăng của chứng khoán Mỹ tiếp tục được thúc đẩy trong phiên giao dịch 6/6, sau khi Ngân hàng trung ương châu ÂU (ECB) tuyên bố rằng thể chế tài chính này sẽ cung cấp các khoản vay không giới hạn cho các ngân hàng gặp khó khăn của Eurozone, ít nhất là trong suốt năm 2012.

Ngoài ra, tâm lý của giới đầu tư còn được trấn an bởi báo cáo mới nhất của Cục dự trữ liên bang (FED) về tình hình tăng trưởng được cho là khá ổn định của kinh tế Mỹ trong giai đoạn từ tháng 4/2012 tới nay, cùng với cam kết rằng FED sẽ xem xét việc "thực hiện thêm các hành động trong bối cảnh kinh tế còn bấp bênh".

Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán Phố Wall lại biến động trái chiều trong phiên kế tiếp, do thông tin Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008 và sự thất vọng của giới đầu tư trước bài phát biểu không hề nhắc tới đợt nới lỏng có định lượng mới (QE3) của Chủ tịch FED Ben Bernanke.

Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần (8/6), “sắc xanh” lại trở về trên Phố Wall, nhờ xuất hiện những tín hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang có nguy cơ sụp đổ của Tây Ban Nha có thể sẽ được giải cứu, khi Chính phủ nước này dự định sẽ đề nghị lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trợ giúp tài chính cho các ngân hàng khó khăn.

Nếu đề nghị này được chấp thuận, Tây Ban Nha sẽ trở thành quốc gia thứ tư của Eurozone nhận gói cứu trợ từ các tổ chức quốc tế kể từ khi cơn bão nợ bắt đầu hoành hành tại khu vực này.

Các bộ trưởng tài chính Eurozone đã nhóm họp vào ngày 9/6 để thảo luận về yêu cầu trợ giúp các ngân hàng Tây Ban Nha.

Đây được xem là một nỗ lực lớn trong kế hoạch ngăn chặn tình hình bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu đang trở nên ngày một tồi tệ.

Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 93,24 điểm, tương đương 0,75%, lên mức 12.554,20 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 10,67 điểm (0,81%), lên 1.325,66 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 27,40 điểm (0,97) %, đóng cửa ở mức 2.858,42 điểm.

Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 3,6%, S&P 500 tăng 3,7% và Nasdaq tăng khoảng 4%.

Đây là tuần tăng điểm tốt nhất của cả ba chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ kể từ tháng 12/2011 và được xem là tín hiệu đáng mừng giữa lúc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn đang phủ bóng đen lên các thị trường thế giới.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lo ngại rằng nếu kết quả cuộc bầu cử ngày 17/6 tới tại Hy Lạp không khả quan, cùng với tình trạng khó khăn hiện tại của Tây Ban Nha, thì nguy cơ tan rã liên minh tiền tệ Eurozone sẽ cận kề hơn bao giờ hết.

Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s mới đây cũng cảnh báo rằng nếu Aten thất bại trong việc thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” như đã cam kết nhằm nhận được gói cứu trợ tiếp theo từ EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cơ quan này có thể sẽ tiến hành đợt hạ cấp tín nhiệm của một loạt các nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, trong đó có Đức.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang thận trọng chờ đợi các báo cáo kinh tế của Mỹ trong tháng 5/2012, dự kiến sẽ được công bố lần lượt vào tuần này, bao gồm chỉ số giá sản xuất; doanh thu bán lẻ; chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số sản xuất công nghiệp, nhằm tìm ra “chân dung” của nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa bối cảnh “u ám” của nền kinh tế toàn cầu./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục