Chứng khoán Mỹ giảm thảm hại nhất kể từ đầu năm

Các nhà đầu tư đã đua nhau bán cổ phiếu, khiến các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ giảm thảm hại nhất kể từ đầu năm.
Lo lắng trước khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể thu nhỏ quy mô gói cứu trợ tài chính vào cuối năm nay, trong hai ngày qua các nhà đầu tư đã đua nhau bán cổ phiếu, khiến các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ giảm thảm hại nhất kể từ đầu năm tới nay.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch New York cho biết đến phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 20/6, chỉ số Dow Jones của 30 tập đoàn lớn đã mất 353,87 điểm (tương đương với 2,3%) và chốt phiên ở mức 14.758,32 điểm.

Chỉ số Standard & Poor's 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng giảm tới 2,5% xuống còn 1.588,19 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite cũng sụt giảm 2,3%, xuống 3.364,63 điểm. Đây là ngày giao dịch đen đủi nhất của cả ba loại cổ phiếu chủ lực này của Mỹ tính từ đầu năm 2013.

Trong tuần qua, ba chỉ số trên cũng đã lần lượt bị sụt giảm 2,1%, 2,4% và 1,7%. Tính riêng trong hai ngày trở lại đây, chỉ số danh giá Dow Jones đã bị mất tổng cộng 560 điểm, xóa sạch những kết quả tích cực thu được trong tháng Năm.

Đây cũng là hai ngày giao dịch tệ hại nhất của Standard & Poor 500 trong vòng 7 tháng với cổ phiếu của toàn bộ 10 khu vực đồng loạt giảm giá mạnh. Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 20/6 "rực đỏ" với hơn 90% cổ phiếu rớt giá.

Tại thị trường vàng, giá vàng ngày 20/6 giảm tới 6,4%, xuống 1.286 USD/ounce. Đây là lần đầu tiên giá mặt hàng đặc biệt này giảm xuống dưới mức 1.300 USD kể từ tháng 9/2010. Trong khi đó, giá dầu thô trên thị trường New York giảm 2,84 USD, tương đương 2,9%, xuống còn 95,40 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất tính từ tháng 11/2012.

Giám đốc bộ phận phân tích kinh tế của Công ty Morningstar, ông Robert Johnson cho biết có nhiều lý do khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản, trong đó có việc FED, sau cuộc họp định kỳ hai ngày, hôm 19/6 đã thông báo đến cuối năm nay có thể thu nhỏ quy mô gói cứu trợ thứ ba (QE-3), theo đó mỗi tháng chỉ tung vào thị trường 65 tỷ USD thay vì 85 tỷ USD, để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp.

Chỉ số hoạt động của các nhà máy và tình hình tín dụng có chiều hướng xấu hơn ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là những nguyên nhân gây lo lắng giới đầu tư.

Giới đầu tư lo ngại, nếu đến giữa năm 2014 khi FED ngừng hẳn gói cứu trợ QE-3 thì lãi suất sẽ tăng, dẫn tới làm giảm giá cổ tài sản cổ phiếu của họ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục