Chứng khoán tại châu Á diễn biến không đồng nhất

Chốt phiên 20/9, chỉ số Nikkei-225, giảm 142,92 điểm, xuống 8.721,24 điểm nhưng chỉ số Kospi, Hàn Quốc lại tăng 17.03 điểm, lên 1.837,97 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 20/9, các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến không đồng nhất, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, vốn làm “chao đảo” các thị trường hàng hóa toàn cầu, lại càng trở nên phức tạp hơn sau khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) quyết định hạ mức đánh giá tín nhiệm nợ công của Italy.

Chốt phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 142,92 điểm, tương đương 1,61%, xuống 8.721,24 điểm; chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng giảm 41,3 điểm (1,01%), đóng cửa ở mức 4.040,2 điểm.

Tuy nhiên, đi ngược lại với xu hướng này, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lại quay đầu tăng nhẹ 17.03 điểm (0,94%), lên 1.837,97 điểm.

Tại Trung Quốc, “sắc xanh” cũng xuất hiện trở lại trên hai sàn chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong, khi mà chỉ số Hang Sheng và Composite lần lượt tăng 96,85 điểm (0,51%) và 9,96 điểm (0,41%), đóng cửa ở mức 19.041,80 điểm và 2.447,76 điểm.

Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) vừa quyết định hạ mức đánh giá tín nhiệm nợ công của Italy từ mức A+/A-1+ xuống mức A/A-1, do sự suy yếu về kinh tế, tài chính và chính trị của nước này.

Thông tin tiêu cực trên đã tạo áp lực khiến đồng euro suy yếu và thị trường chứng khoán bất ổn. Thêm vào đó, kết quả không như mong đợi của cuộc họp giữa các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu vừa diễn ra tại Ba Lan vào cuối tuần qua, nhằm tìm hướng giải quyết vấn đề nợ công của Hy Lạp, cũng là nhân tố khiến các chỉ số chứng khoán giảm điểm.

Tổng Giám đốc Nikko Securities SMBC, Hiroichi Nishi nói: “Động thái hạ cấp tín nhiệm nợ đối với Italy của S&P không phải là một bất ngờ, nhưng mối quan tâm hiện nay là liệu cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp có lan rộng tới Italy và Tây Ban Nha hay không.”

Trong phiên giao dịch đầu tuần vào đêm hôm trước (19/9) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall quay đầu giảm điểm, chấm dứt chuỗi năm phiên giảm điểm liên tiếp, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về nguy cơ Hy Lạp rơi vào cảnh vỡ nợ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không thể đưa ra các biện pháp kịp thời nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đang ngày một lan rộng.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 108,08 điểm, tương đương 0,94%, đóng cửa ở mức 11.401,01 điểm; chỉ số S&P 500 cũng giảm 11,92 điểm (0,98%) xuống 1.204,09 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 9,48 điểm (0,36%), xuống 2.612,83 điểm.

Hoạt động bán tháo cổ phiếu diễn ra sôi nổi tại Phố Wall trong phiên giao dịch cùng ngày, sau khi cuộc họp giữa các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu vừa diễn ra tại Ba Lan vào cuối tuần qua đã không mang lại kết quả thuyết phục trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.

Ngoài ra, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng chịu áp lực giảm điểm mạnh vào đầu phiên sau khi Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết lãnh đạo các nước Eurozone đã quyết định hoãn lại việc xem xét về đợt giải ngân tiếp theo trị giá 8 tỷ euro dành cho Hy Lạp tới tháng 10 năm nay, khi mà Atel có thể thuyết phục được các “chủ nợ” của mình, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB), rằng thâm hụt ngân sách của nước này đã được cắt giảm đáng kể.

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, “bóng đen” của cuộc khủng hoảng nợ cũng phủ lên các thị trường chứng khoán châu Âu một không khí ảm đạm. Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 2,03% xuống 5.259,56 điểm; còn chỉ số CAC 40 của Pháp giảm mạnh 3%, đóng cửa ở mức 2.940 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Ibex-35 của Tây Ban Nha và chỉ số FTSE Mib của Italy cũng lần lượt giảm 1,98% và 3,17%. Không nằm ngoài xu hướng này, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng giảm 2,83% và chốt phiên ở mức 5.415,91 điểm./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục