Chứng khoán thị trường châu Á biến động trái chiều

Chứng khoán châu Á đã biến động không đồng nhất trong phiên giao dịch cuối tuần trong bối cảnh Phố Wall đêm trước phục hồi nhẹ.
Các thị trường chứng khoán châu Á đã biến động không đồng nhất trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/7 trong bối cảnh chứng khoán Phố Wall đêm trước phục hồi nhẹ và tại Nhật Bản, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua so với đồng yên.

Phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có mức giảm điểm tồi tệ nhất kể từ đầu tháng Sáu tới nay sau khi đồng bạc xanh sụt giảm mạnh so với đồng yên do bị nhà đầu tư bán tháo vì những số liệu yếu kém mới nhất của nền kinh tế Mỹ.

Theo Bộ Lao Động Mỹ, lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước (kết thúc vào ngày 20/7) đã tăng thêm 7.000 người so với tuần trước đó. Thêm vào đó, lượng đơn đặt hàng lâu bền tuy tăng 4,2% trong tháng Sáu song theo giới phân tích thì con số này vẫn thấp hơn dự kiến. Bên cạnh đó, giới đầu tư còn lo ngại về tình hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc.

Tuy nhiên, những số liệu kinh tế đáng thất vọng tại Mỹ cũng lại mang yếu tố tích cực đối với các thị trường chứng khoán khi nó củng cố hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ kéo dài chương trình nới lỏng định lượng (QE3) thêm một thời gian nữa. QE3 chính là tác nhân đẩy thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong thời gian vừa qua.

Đóng cửa phiên 26/7, các thị trường tăng điểm có Hồng Công với chỉ số Hang Seng tăng 67,99 điểm (0,31%) lên 21.968,95 điểm; Hàn Quốc với chỉ số KOSPI nhích 1,20 điểm; thị trường Ôxtrâylia tăng 0,13%. Các thị trường giảm điểm là Nhật Bản với Nikkei 225 mất 432,95 điểm (-2,97%) xuống 14.129,98 điểm; và Trung Quốc với chỉ số Shanghai Composite lùi 10,32 điểm (-0,51%) về 2.010,85 điểm.

Đêm trước (25/7) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall có một phiên phục hồi nhẹ chủ yếu nhờ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu công nghệ sau báo cáo lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng của Facebook.

Tuy nhiên, đà tăng khá khiêm tốn, vì ngoài Facebook, các báo cáo kinh doanh của một số doanh nghiệp niêm yết khác là tốt xấu đan xen, khiến nhà đầu tư khá phân vân và thận trọng, không thục sự tham gia tích cực vào thị trường.

Trong phiên này, cổ phiếu Facebook đã trở thành tâm điểm sau khi hãng hàng đầu về mạng xã hội này công bố lãi "khủng" bất ngờ, chủ yếu nhờ mảng quảng cáo thông qua công nghệ di động. Cổ phiếu của Facebook lao vọt gần 30% lên 34,36 USD/cổ phiếu vào lúc đóng cửa phiên.

Đóng cửa phiên này, Dow Jones Industrial Average tăng nhẹ 13,37 điểm (0,09%) lên 15.555,61 điểm; S&P 500 nhích 4,31 điểm (0,26%) xuống 1.690,25 điểm trong khi Nasdaq Composite tăng 25,59 điểm (0,71%) lên 3.605,19 điểm.

Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều đi xuống sau phiên tăng mạnh hôm trước. Yếu tố đẩy các thị trường khu vực vào màu đỏ phiên này là sự thất vọng của giới đầu tư trước một loạt kết quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp niêm yết.

Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chủ chốt trong khu vực đều quay đầu giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Anh lùi 0,49% xuống 6.587,95 điểm, bất chấp số liệu mới nhất cho biết nền kinh tế ở "xứ sở sương mù" đã phục hồi khá trong quý II vừa qua. Cơ quan Thống kê quốc gia Anh ngày 25/7 cho biết GDP trong quý II của Anh đã tăng trưởng 0,6%, cao hơn mức tăng 0,3% của quý I trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, kinh tế Anh đạt tăng trưởng hai quý liên tiếp.

Hai chỉ số chủ chốt khác là DAX 30 của Đức và CAC 40 của Pháp cũng đều giảm điểm, với các mức giảm lần lượt là 0,96% xuống 8.298,98 điểm và 0,17% về 3.956,02 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục