Hai chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đều xác lập các mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 15/3, giữa lúc giới đầu tư đang dõi theo đà phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đón đợi các thông tin từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này.
Ngành hàng không có dấu hiệu đã vượt qua thiệt hại tồi tệ nhất từ dịch COVID-19, khi nhiều hãng hàng không như Delta Air Lines, Southwest Airlines và JetBlue Airways cho biết số lượng đặt vé máy bay với mục đích đi du lịch, nghỉ dưỡng đang tăng lên.
Các chỉ số chính đã tăng tốc khi gần đến cuối phiên. Chỉ số hàng không S&P 1500 tăng hơn 4% lên mức cao nhất trong một năm, trong khi các mã cổ phiếu khác liên quan đến hoạt động du lịch cũng đều tăng từ 2-5%.
Đây cũng là phiên thứ 6 liên tiếp chỉ số Dow Jones đóng phiên ở mức cao kỷ lục trong đợt khởi sắc gần đây nhờ sự tiến triển trong hoạt động tiêm vaccine ngừa COVID-19 và việc Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD.
Những đồn đoán về sự phục hồi của nền kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu đối với cổ phiếu của các công ty được dự đoán sẽ hoạt động nổi trội khi nền kinh tế mở cửa trở lại như ngân hàng, năng lượng.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,53%, ở mức 32.953,46 điểm. Chỉ số này đã tăng gần 8% trong năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 1,05% lên 13.459,71 điểm, vẫn thấp hơn gần 5% so với mức khép phiên cao kỷ lục ghi nhận ngày 12/2.
Cuối cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày sẽ kết thúc vào ngày 17/3, FED được dự đoán sẽ đưa ra dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng trong năm 2021 với mức tăng nhanh nhất trong mấy chục năm qua, đồng thời nhấn mạnh lập trường giữ lãi suất ở mức thấp trong tương lai gần.
[Thị trường chứng khoán sáng 15/3: Chưa đủ động lực bứt phá]
Trái với chứng khoán, giá dầu thế giới giảm bất chấp thông tin về tình hình kinh tế Trung Quốc và các nước sản xuất dầu lớn vẫn đang thực hiện thỏa thuận hạn chế nguồn cung.
Giá dầu đã tăng đều đặn từ đầu năm 2021 đến nay các nhà sản xuất dầu lớn hạn chế nguồn cung và việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 tăng nhanh, làm tăng hy vọng về nhu cầu nhiên liệu tăng lên và các nền kinh tế hồi phục sau tác động do đại dịch gây ra.
Chốt phiên, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2021 giao dịch ở mức 68,88 USD/thùng, giảm 34 cent Mỹ. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 22 cent Mỹ xuống 65,39 USD/thùng.
Số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong tháng 1-2/2021, trái ngược với những đồn đoán, còn hoạt động lọc dầu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng tin Reuters cho hay quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia đã cắt giảm tới 15% nguồn cung dầu thô giao tháng 4 cho ít nhất 4 khách hàng ở khu vực Bắc Á, trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu hàng tháng bình thường đối với các nhà máy lọc dầu Ấn Độ.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+), trong tháng này đã quyết định sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sang tháng 4.
Gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ đã được thông qua trong tháng này, làm tăng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các nhà phân tích cho biết Washington đang cân nhắc việc tăng thuế đối với các tập đoàn, những người có thu nhập cao và nhiên liệu để chi trả cho một kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn, mà có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu đã chịu sức ép bởi đồn đoán về cơn bão mùa Đông xảy ra hồi tháng trước ở Texas có thể tiếp tục làm tăng lượng dầu trong các kho dự trữ./.