Giá nhiều loại phân bón tăng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long

Phân DAP xanh Hồng Hà do Trung Quốc sản xuất tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán lẻ từ 840.000 đến 850.000 đồng/bao.
Giá nhiều loại phân bón tăng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Kể từ sau Tết Nguyên đán 2021, giá nhiều loại phân bón như DAP, urê, NPK... tiếp tục tăng thêm từ 30.000-130.000 đồng/bao, loại 50kg và hiện đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Hiện phân DAP xanh Hồng Hà do Trung Quốc sản xuất tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán lẻ từ 840.000 đến 850.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng khoảng từ 240.000 đến 250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020.

Còn giá bán lẻ phân đạm Cà Mau (urê Cà Mau) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp đang ở mức từ 500.000 đến 510.000 đồng/bao, tăng hơn 150.000 đồng/bao so với cuối năm trước.

Giá các loại urê Phú Mỹ, urê Ninh Bình và nhiều loại urê nhập khẩu khác cũng đang có giá khá cao, ở mức từ 480.000 đến 500.000 đồng/bao, thậm chí cao hơn thêm vài chục nghìn đồng/bao khi nông dân mua thiếu nợ tiền đến cuối vụ lúa mới thanh toán.

Trong khi đó, giá phân bón NPK 20-20-15 Hiệp Thanh có giá 600.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Ðầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay ở mức 650.000 đến 660.000 đồng/bao.

[Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP]

Riêng phân bón kali do Israel, Canada và Nga sản xuất ổn định ở mức giá khoảng từ 400.000 đến 440.000 đồng/bao, tùy loại, tăng chỉ vào chục nghìn đồng/bao so với cuối năm 2020.

Theo các đại lý bán vật tư nông nghiệp, giá phân bón tăng mạnh là do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng.

Ðồng thời, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá nhích lên, nhất là đối với phân bón DAP và urê.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, giá lúa Đông Xuân sớm 2020-2021 đang được nông dân thu hoạch trúng mùa, trúng giá và thu được lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Những tưởng niềm vui này sẽ còn kéo dài để làm động cơ cho bà con sản xuất tiếp vụ lúa Hè Thu 2021.

Tuy nhiên, khi tiếp tục đầu tư mua vật tư phân bón để sản xuất vụ lúa Hè Thu thì niềm vui trúng mùa, trúng giá của bà con nhanh chóng vụt tắt mà thay vào đó là sự lo lắng.

Bởi không biết giá lúa Hè Thu tới có còn giữ ở mức cao đến khi thu hoạch như hiện nay không nhưng chắc chắn rằng chi phí đầu tư mua phân bón đã tăng lên gấp từ 1,2 đến 1,5 lần. Đó là chưa kể nông dân còn phải đối phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nhiều khả năng sẽ diễn ra gay gắt ngay trong mùa khô này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục